1 triệu tỷ đồng tín dụng tiêu dùng đổ vào bất động sản

Theo số liệu được Chuyên gia TS. Cấn Văn Lực thống kê, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Trong đó, tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng, chiếm 55,5%.

Chia sẻ tại Tọa đàm Tài chính tiêu dùng: Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển, TS. Cấn Văn Lực cho biết dư nợ tín dụng tiêu dùng (TDTD) cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). 

Trong đó, tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%), theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng bất động sản.

A22D9638.jpg

TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo vị chuyên gia này, trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng BĐS nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng khoảng 15,4%). 

Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng BĐS nhà ở, thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc…

“Với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng BĐS nhà ở) chiếm khoảng 15 – 35%/tổng dư nợ thì tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn”, ông Lực nhận định.

Untitled.png

Nguồn: Báo cáo tại hội thảo của TS. Cấn Văn Lực.

Chuyên gia cũng cho biết tỷ trọng dư nợ của các công ty tài chính (CTTC) trong tổng tín dụng tiêu dùng gia tăng đáng kể so với trước đây, từ mức dưới 1% vào năm 2011 đến tỷ trọng 16,3% năm 2020 (khoảng 130.000 tỷ đồng), còn lại là các NHTM, quỹ tín dụng (chiếm khoảng 75%) và các tổ chức tài chính khác (khoảng 8,7%).

Theo thông tin công bố trên website của riêng 3 công ty lớn nhất thị trường là FE Credit, Home Credit và HD Saison, tổng số lượng khách hàng giao dịch đã lên đến 30 triệu tại 37.000 điểm bán.

Ông Lực đánh giá, các CTTC đã xây dựng được mạng lưới khách hàng thân thiết, thường xuyên sử dụng dịch vụ chứng tỏ thói quen tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi đáng kể. Riêng FE Credit có 4 triệu khách hàng thân thiết thường xuyên sử dụng các dịch vụ vay tiêu dùng. 

Đồng thời, sự phát triển về quy mô của thị trường còn được thể hiện qua việc liên tục có các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các CTTC Việt Nam.

Bên cạnh đó, các TCTC nước ngoài nhận được đầu tư lớn từ các công ty mẹ ở nước ngoài hay mới thành lập ngày càng tăng, điển hình như Công ty Tài chính Prudential Việt Nam (được Shinhan Bank Việt Nam mua lại và thiết lập hệ sinh thái tài chính cùng với Shinhan Securities và Shinhan Life), Lotte Finance – công ty con của Lotte Card là công ty tài chính phát hành thẻ tín dụng sở hữu mạng lưới dịch vụ và bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc…

• VietnamBiz