4 hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản

Vietcombank đưa ra cảnh báo về 4 hình thức lừa đảo mạo danh thương hiệu nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng và chiếm đoạt tiền tài khoản.

Theo Vietcombank, thời gian gần đây tiếp tục xuất hiện một số hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng. Phương thức chung của các hình thức lừa đảo này là thông qua việc mạo danh thương hiệu ngân hàng hoặc nhân viên nhà mạng viễn thông để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng.

Trong cảnh báo mới nhất, Vietcombank đã chỉ ra 4 phương thức lừa đảo mới mà các đối tượng đang sử dụng gần đây, đồng thời đưa ra các khuyến cáo đối với khách hàng khi gặp phải các trường hợp này.

4 hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản - Ảnh 1.

4 hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản. (Ảnh: VCBDigibank).

Mạo danh ngân hàng lập website, trang mạng xã hội

Đối tượng lừa đảo tạo lập và sử dụng website/trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu Vietcombank để mời phát hành thẻ hoặc vay vốn tín chấp với lãi suất ưu đãi.

Hành động này có kèm đường dẫn lừa đảo của các diễn đàn, website mạo danh như https://www.vay-vietcombank.com.vn; https://vaytienvietcombank.com.vn; https://vietcombank-vaytinchap.com…

Khi truy cập vào các đường dẫn trên, khách hàng sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và bản sao hồ sơ tài chính cá nhân theo thông tin liên hệ của đối tượng lừa đảo (đối tượng lừa đảo chỉ cung cấp thông tin liên hệ là email; điện thoại và thường không gặp mặt trực tiếp).

Trong một số trường hợp, khách hàng bị yêu cầu chi trả một khoản phí hỗ trợ hồ sơ thẻ tín dụng/vay và giải ngân tiền. Ngay sau khi chuyển tiền, khách hàng sẽ không thể liên hệ theo các số điện thoại của đối tượng lừa đảo.

Vietcombank khẳng định mọi yêu cầu đề nghị cấp tín dụng, phát hành thẻ tín dụng của khách hàng tại Vietcombank được thực hiện đầy đủ theo quy trình và tuân thủ đúng pháp luật.

Ngân hàng không yêu cầu khách hàng chi trả phí cho hoạt động tư vấn đề nghị cấp tín dụng, phát hành thẻ tín dụng. Các loại phí cung cấp dịch vụ (nếu có) đều được niêm yết thông báo công khai trên website và tại các điểm giao dịch của ngân hàng theo quy định.

Đồng thời Vietcombank cũng khuyến cáo khách hàng không truy cập vào đường dẫn của các diễn đàn, website mạo danh thương hiệu ngân hàng.

Hỗ trợ giải đáp về sản phẩm dịch vụ

Đối tượng lừa đảo lập trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu Vietcombank để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp vướng mắc về sản phẩm dịch vụ của Vietcombank nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản của khách hàng.

Sau khi lập trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu ngân hàng, họ sẽ sao chép một số bài viết về sản phẩm dịch vụ trên các kênh thông tin chính thức của Vietcombank và đăng tải mời gia nhập trên các trang mạo danh này.

Khi khách hàng tham gia và đăng tải vướng mắc sản phẩm dịch vụ trên trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu, khách hàng có thể được yêu cầu cung cấp các thông tin về giao dịch, tài khoản và dịch vụ ngân hàng điện tử của cá nhân. Sau đó, lợi dụng các thông tin này để thực hiện hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Về vấn đề này, Vietcombank khuyến cáo không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

Mạo danh Ngân hàng, Tổ chức chuyển tiền quốc tế gửi tin nhắn kèm đường dẫn

Đối tượng lừa đảo mạo danh Ngân hàng, Tổ chức chuyển tiền quốc tế gửi tin nhắn kèm đường dẫn để lừa đảo nhằm lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng.

Để làm được điều này, họ chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản khách hàng và mạo danh Ngân hàng, Tổ chức chuyển tiền quốc tế gọi điện hoặc gửi tin nhắn hiển thị tên thương hiệu đến số điện thoại khách hàng.

Sau đó, thông báo khách hàng có một giao dịch chuyển tiền đến bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác thực thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền…

Khi truy cập vào các trang thông tin mạo danh, khách hàng sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc dịch vụ thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, CVV/CVC-mã số bảo mật của thẻ, mã OTP).

Vietcombank khuyến cáo khách hàng không truy cập vào đường dẫn này. Trường hợp đã bấm vào đường dẫn, tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật hay bất cứ thông tin cá nhân nào khác.

Mạo danh nhân viên nhà mạng viễn thông

Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên nhà mạng viễn thông để chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại của khách hàng.

Trường hợp này, họ liên hệ khách hàng và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi SIM 3G thành SIM 4G qua điện thoại. Nếu đồng ý chuyển đổi, đối tượng lừa đảo sẽ gửi tin nhắn SMS/ gọi điện cung cấp thông tin serial SIM 4G mới (do đối tượng lừa đảo kiểm soát).

Sau đó hướng dẫn nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi từ SIM 3G (do khách hàng sử dụng) lên SIM 4G của đối tượng lừa đảo. Trường hợp khách hàng tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại của khách hàng.

Nếu số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, đối tượng lừa đảo có thể sử dụng số điện thoại để nhận thông tin giao dịch, mã OTP kết hợp với thông tin định danh (CMND, CCCD, ngày sinh…) thu thập qua mạng xã hội, tài khoản Email… 

Sau đó, kích hoạt lại dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng, thực hiện giao dịch chuyển tiền, thanh toán giao dịch mua hàng trực tuyến nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Vietcombank khuyến cáo khách hàng cần thận trọng trước những cuộc gọi, tin nhắn bất thường đề nghị hỗ trợ chuyển đổi SIM 3G thành SIM 4G qua điện thoại và chủ động liên hệ với các nhà mạng viễn thông để xác thực.

• VietnamBiz