6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong bối cảnh COVID-19
Trong bối cảnh phức tạp do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại và dịch COVID-19, NHTW các nước lại thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, chưa từng có tiền lệ, với quy mô lớn, hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế.
Sáng nay (26/12), tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2020, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Những yếu tố như căng thẳng thương mại giữa các nước, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bà cho biết chưa bao giờ Chính phủ, các cơ quản quản lý và NHTW các nước lại thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, chưa từng có tiền lệ, với quy mô lớn, hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế. Theo đánh giá của Tổng Giám đốc IMF, thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn toàn khác với các cuộc khủng hoảng trước đây.
Thống đốc cũng xác định rõ 6 nhiệm vụ chính của hệ thống ngân hàng sẽ được tập trung triển khai quyết liệt nhằm hỗ trợ khôi phục nền kinh tế.
Thứ nhất, xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm. NHNN đã vào cuộc rất sớm khi đại dịch mới xảy ra.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của đại dịch và thiên tai tới hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng, về lãi suất, về phí thanh toán. Đây là những giải pháp thiết thực, đúng thời điểm khi hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, nguồn thu sụt giảm, khó khăn trong vấn đề trả nợ…
Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực huy động nguồn lực tài chính quốc để hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật ứng phó khẩn cấp Đại dịch COVID-19, viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ…
Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh thể hiện qua việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức 2,4%.
Các công cụ CSTT được phối hợp đồng bộ, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tiếp tục mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và củng cố mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Đi đôi với điều hành CSTT để ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Năm 2020 là năm thứ 5 liên tiếp NHNN đứng đầu đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số PAR index, từ đó giúp cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ ba, hướng tới một hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh. Năm 2020, NHNN tiếp tục chỉ đạo hệ thống các TCTD thực hiện Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường giám sát hoạt động của các TCTD, thường xuyên cảnh báo rủi ro, ngăn chặn khả năng phát sinh vi phạm, từ đó tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tăng cường tiềm lực tài chính, thực hiện các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn theo Basel II; thu thập, xử lý và chuyểngiao thông tin giao dịch đáng ngờ, góp phần phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh tiền tệ quốc gia và sự an toàn của hệ thống.
Thứ tư, NHNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình, công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán, cũng như tăng cường triển khai các giải pháp an ninh, an toàn và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Thứ năm, năm 2020 cũng là năm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng rất hiệu quả, là năm NHNN cùng Bộ Tài chính tổ chức thành công hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN với nhiều nội dung quan trọng.
Đây cũng là năm đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Ngân hàng thanh toán quốc tế nhờ năng lực quản trị điều hành của NHNN được nâng cao cùng với thành tựu về kinh tế xã hội của đất nước ta đạt được trong những năm qua.
Thứ sáu, các mảng công việc khác như: Hoàn thiện thể chế, quản lý ngoại hối, dự báo thống kê, phát hành kho quỹ…tiếp tục được tăng cường, hỗ trợ cho việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả.
• VietnamBiz