Tiềm ẩn rủi ro từ cho vay bất động sản và chứng khoán?

Tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh hơn tín dụng chung toàn ngành kinh tế, có thể tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

TT - Ảnh 1.

Toàn cản hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03. (Ảnh: Diệp Bình).

Tiềm ẩn rủi ro từ cho vay bất động sản và chứng khoán?

Sáng 14/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03. 

Cho biết về tình hình tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết tính tới cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực đều ở mức khá tuy nhiên một số lĩnh vực có mức tăng cao hơn bình quân như tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

“Cùng với đó là sự sôi động của thị trường chứng khoán và bất động sản trong thời gian qua có thể tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng”, ông nói.

Cụ thể, tín dụng bất động sản cuối quý I đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước, tín dụng vào chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020, tuy nhiên đang có xu hướng tăng trở lại từ tháng 3.

Chia sẻ với người viết về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho rằng NHNN đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực này và sẽ điều hành ở mức phù hợp, không phải là vấn đề đáng ngại.

Theo ông, khi cho vay, các TCTD phải xem xét tính hiệu quả của dự án, các dự án có hiệu quả phải hoàn thiện được các thủ tục pháp lý thì mới cho vay. Do đó, đối với việc cho các chủ đầu tư dự án vay thì không có rủi ro lớn, nhưng cần hết sức thận trọng trong việc cho các sàn vay đầu tư.

“Nếu như nhà đầu tư dùng tiền của mình, tiền gửi ngân hàng đầu tư thì mới có hi vọng có hiệu quả còn vay vốn ngân hàng thì sẽ rủi ro”, ông chia sẻ. Vì vậy, các nhà đầu tư cũng phải cân nhắc khá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định vay vốn để đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán hay bất động sản.

Không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro

Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong những tháng đầu năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và từ đó tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng.

Tính đến 31/3/2021, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020, tín dụng tăng mạnh vào tháng 3.

Tiềm ẩn rủi ro từ cho vay bất động sản và chứng khoán? - Ảnh 2.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: SBV).

Thống đốc nhấn mạnh tín dụng là một trong những lĩnh vực NHNN rất quan tâm chỉ đạo điều hành, trụ cột điều hành hàng nằm, vừa điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn, phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Dư nợ tín dụng trên GDP năm 2020 đạt trên 140%.

NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Theo bà Hồng, bản thân các TCTD cũng phải điều hành tín dụng sao cho mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng, tăng trưởng tín dụng theo định hướng của NHNN, phù hợp với cơ cấu nguồn lực của mình, phòng ngừa rủi ro về chênh lệch kỳ hạn hay rủi ro về chênh lệch loại tiền.

”Các tổ chức tín dụng cần bảo đảm khả năng chi trả người dân bất kỳ thời điểm nào, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro tín dụng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn

Bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các biện pháp được đưa ra như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airline theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,…

Cùng với đó, các ngân hàng cần triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tính đến cuối tháng 3/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ hơn 353.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452.000 khách hàng.

• VietnamBiz