Tại sao Bitcoin là vũ khí tốt nhất chống lại lạm phát và bất bình đẳng giàu nghèo?

Đối với những người đam mê Bitcoin, một trong những điều hấp dẫn nhất về tiền điện tử này là lối thoát để tránh các hệ thống tiền fiat làm mất giá tiền mặt do lạm phát.

bitcoin

Quá trình dẫn đến hệ quả đó không quá phức tạp như mọi người vẫn tưởng. Nói một cách rất đơn giản, các ngân hàng trung ương bôi trơn bánh xe vận hành nền kinh tế bằng cách liên tục in tiền mới. Cung tiền cao hơn giúp các công ty chi tiêu và trả nợ dễ dàng hơn. Nhưng điều đáng nói là với mỗi đô la mới thêm vào pool chi tiêu, sức mua của từng đô la sẽ giảm theo tỷ lệ thuận.

Hay nói cách khác, thay đổi nguồn cung tiền không tạo ra của cải hoặc giá trị một cách kỳ diệu. Hãy thử làm một phép so sánh đơn giản để hiểu rõ hơn về luận điểm này. Nếu nền kinh tế là nhà trẻ và nguồn cung tiền là bút chì màu, thì việc tăng gấp đôi số bút chì màu trong phòng sẽ không khiến bọn trẻ giàu có hơn chút nào. Tất cả đều có số bút màu nhiều gấp đôi so với trước đây, vì vậy chúng đều tăng gấp đôi số lượng đưa ra khi muốn đổi lấy đồ chơi, sách… Về mặt thực tế, không có gì khác vì nguồn cung tiền mới được chia sẻ đều cho tất cả mọi người trong xã hội.

Khi mọi thứ trở nên phức tạp hơn và Bitcoiner nhận thức được nhu cầu về một hệ thống khác công bằng hơn, điều gì sẽ xảy ra nếu nguồn cung và phân phối không đồng đều?

Các chủ ngân hàng trung ương khẳng định đây không phải là vấn đề đáng lo ngại, bởi vì họ cho rằng tất cả tiền mặt cuối cùng sẽ chảy vào túi của những người bình thường – có thể là thông qua séc kích thích, mức lương cao hơn, quỹ hưu trí cao hơn hoặc bằng những cách khác.

Trong thế giới thực, các tỷ phú cho đến nay là những người thắng đậm nhất từ ​​quyết định in tiền ồ ạt trong kỷ nguyên Covid. Họ đã sử dụng nguồn cung tiền cao hơn (bao gồm cả lượng lớn tiền đi vay với lãi suất thấp hơn và dễ vay hơn) vào các loại tài sản có khả năng chống lạm phát như thị trường cổ phiếu, bất động sản, sưu tầm… Các tầng lớp trung lưu cũng làm như vậy, nhưng ở quy mô nhỏ hơn: xây dựng khoản tiết kiệm trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh và sau đó phân bổ một phần hợp lý trong số tiền đó cho các tài sản được đánh giá cao về giá trị.

Tiếp đến, hãy xem xét những người nghèo và các tầng lớp lao động. Khoản tiền trợ cấp ít ỏi mà họ nhận được trong đại dịch chủ yếu được dùng để sinh tồn. Vì vậy, họ không thể tích lũy nhiều tài sản hơn, cũng không được hưởng lời từ việc giá nhà tăng hay đầu tư cổ phiếu bằng cách thay thế tiền thuê nhà (tiền đi vào túi của người khác) bằng các khoản thanh toán thế chấp (tiền đi vào). Về mặt kỹ thuật, thị trường cổ phiếu có thể nằm trong tầm tay của họ, nhưng gần như bất khả thi do phí giao dịch cao và sự hiểu biết hạn chế về các chiến lược đầu tư.

Chính sự mất cân bằng này dẫn đến tình trạng bất bình đẳng.

Nếu bạn giàu có, bạn có thể sử dụng nguồn cung tiền cao hơn làm lợi thế cho mình. Ngược lại, nếu bạn nghèo, bạn thực sự không thể. Bạn cứ mãi loay hoay với mọi khoản tiền mặt bạn có trong nền kinh tế mới mà không tìm ra cách làm giàu. Và như chúng ta đã biết, giá trị của những cổ phiếu nắm giữ đang bị pha loãng tích cực do lạm phát. Tiền được in ra càng nhiều, bạn càng nghèo hơn.

Tất nhiên, lãi suất cũng có thể mang lại lợi nhuận nếu các ngân hàng trung ương muốn. Khi lãi suất tăng cao hơn tỷ lệ lạm phát, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể tăng giá trị tiền mặt của mình chỉ đơn giản bằng cách chuyển nó vào tài khoản tiết kiệm. Nhưng các nhà hoạch định chính sách không muốn điều này, bởi vì điều duy nhất duy trì nền kinh tế toàn cầu lúc này là dễ dàng vay nợ. Ngay khi lãi suất mà người đi vay phải trả tăng lên, những nền tảng cũng như cơ sở phục hồi kinh tế trong kỷ nguyên Covid của chúng ta vốn dĩ đã không vững chắc sẽ nhanh chóng sụp đổ. Các doanh nghiệp và chủ nhà đã lao vào các khoản vay lãi suất thấp đột nhiên không thể trả nợ. Làn sóng phá sản và tịch thu nhà sẽ làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu.

Không có gì ngạc nhiên khi các chủ ngân hàng trung ương (trùng hợp là không ai trong số họ thuộc tầng lớp lao động) thích lựa chọn dễ dàng nhưng giáng một đòn mạnh mẽ vào người nghèo. Họ có thể biện minh rằng “điều này có thể không hoàn hảo, nhưng mọi thứ dường như ổn định và mọi người tôi biết đều làm khá tốt!”. Tóm lại, các ngân hàng trung ương là lực lượng lớn nhất gây ra bất bình đẳng giàu nghèo.

Chừng nào các chủ ngân hàng trung ương và chính trị gia còn ở vị trí dẫn dắt, thì thực sự không có cách nào thay đổi hướng đi của cuộc hành trình kinh tế này. Những người nắm quyền sẽ luôn thúc đẩy các chính sách có lợi cho cá nhân và họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để trì hoãn sự sụp đổ kinh tế toàn cầu – mặc dù sự sụp đổ về lâu dài cũng có thể tốt cho xã hội vì nó sẽ thúc đẩy cải cách cơ cấu đối với hệ thống bất cập hiện tại.

Nếu có một giải pháp, đó sẽ phải là một hệ thống tiền tệ thay thế có khả năng chống lại cả lạm phát và sự thao túng của ngân hàng trung ương.

Nền văn minh nhân loại luôn khao khát có được một hệ thống như vậy trong nhiều thiên niên kỷ. Vấn đề là chưa bao giờ dễ dàng để xây dựng một mạng lưới tiền tệ không được ai hỗ trợ nhưng lại bảo vệ lợi ích của mọi người một cách thuyết phục đến mức những người bình thường sẽ tin tưởng vào mạng lưới đó bằng tiền tiết kiệm cả đời của họ. Điều đó chưa bao giờ xảy ra cho đến năm 2009, khi mạng lưới tiền tệ Bitcoin ra mắt đã mang đến cho thế giới hương vị đầu tiên của công nghệ blockchain phi tập trung.

Cần có sự nhìn nhận khách quan

Thuyết phục người đọc về lợi ích kỹ thuật số của blockchain cũng giống như thuyết phục những người thừa cân về lợi ích sức khỏe của việc ăn kiêng.

Hay có thể nói rằng, bạn không thể hiểu được vị thiên tài tạo ra Bitcoin nếu không có ít nhất kiến ​​thức cơ bản về bản chất cách mạng của công nghệ blockchain.

Lòng tin là tất cả. Như đã đề cập ở trên, tạo lập một hệ thống tiền tệ hầu như không thể bởi vì tiền không có giá trị trừ khi có đủ người tin rằng nó có giá trị. Cách dễ nhất để nuôi dưỡng niềm tin đó là yêu cầu chính phủ cam kết duy trì hoặc hỗ trợ giá trị của nó. Nhưng điều này gần như là bất khả thi. Một cách khác, đơn giản hơn là đưa ra tài sản hấp dẫn phổ biến có nguồn cung cố định. Vàng hoàn toàn đáp ứng điều kiện này: nó hấp dẫn về mặt thẩm mỹ, không thể bị giả mạo vì có khối lượng riêng duy nhất và không ai có thể sản xuất vì nó là món quà mà tự nhiên ban tặng cho con người.

Tuy nhiên, vàng gây ra sự bất tiện và phiền phức. Nó nặng, vì vậy khó di chuyển. Nó không dễ dàng phân chia, vì vậy rất khó để thanh toán số tiền chính xác tương đương. Không có nhiều người mua vàng hàng tuần. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể tạo ra một phiên bản vàng kỹ thuật số không nặng, di chuyển với tốc độ ánh sáng và có thể chia được cho một phần nhỏ nhất của giá trị. Điều đó đã thành hiện thực vào năm 2009.

Nếu bạn chỉ hiểu một điều về công nghệ blockchain, hãy nói về điều này: lần đầu tiên trong lịch sử, blockchain cung cấp cho chúng ta dữ liệu thực sự bất biến.

Điều đó có nghĩa là không thể thay đổi thông tin chứa bên trong. Để làm được như vậy, cần phải hiểu bản chất phi tập trung của sổ cái. Sổ cái liệt kê tất cả các giao dịch từng được thực hiện trên blockchain và được bảo mật bằng 1) số lượng bản sao đang tồn tại (các node đầy đủ, tất cả đều kiểm tra chéo với nhau), 2) quá trình ghi dữ liệu mới (mã hóa mật mã) và 3) mức tiêu thụ năng lượng của mạng (hashrate, khiến nó không thể bị chế ngự hoặc thay đổi quy trình mã hóa). Một khi bạn có dữ liệu bất biến, bạn có khả năng tạo ra tiền kỹ thuật số tự trị.

Bằng cách đảm bảo lịch sử giao dịch của Bitcoin không bao giờ có thể bị thay đổi, nhân loại đã tạo ra một tài sản kỹ thuật số đáp ứng 5 trong số các tiêu chí của tiền: bền vững, di động, khan hiếm, có thể phân chia và thay thế được (có thể thay thế cho nhau). Tiêu chí cuối cùng – khả năng chấp nhận hoặc sự sẵn lòng của mọi người để coi Bitcoin là tiền thật – sẽ không được các đặc điểm kỹ thuật xác định mà là thái độ của con người đối với nó. Trong thời đại kỹ thuật số ngày càng phát triển, điều đó là rất hứa hẹn.

Tất nhiên, có rất nhiều những người gièm pha Bitcoin, điển hình là những người lớn tuổi, thuộc tầng lớp trung lưu, đã trở nên rất giàu từ tình trạng thực tại. Họ trích dẫn một định nghĩa khác về tiền, rằng nó phải được xã hội chấp nhận như một phương tiện trao đổi, một đơn vị tài khoản và một kho giá trị.

Họ nói rằng Bitcoin thất bại trên mọi phương diện vì quá ít người sử dụng nó hàng ngày và giá quá biến động để đo lường hoặc lưu trữ giá trị. Điều này là không sai, nhưng nó cũng đã đạt được mức vốn hóa thị trường là 3 nghìn tỷ đô la chỉ trong 12 năm. Dù không muốn, nhưng cũng phải thừa nhận rằng nó đã phát triển với tốc độ rất nhanh mà không loại tài sản nào có thể sánh kịp.

Trong khi chê trách Bitcoin, chúng ta cũng phải cần nhìn nhận lại tình trạng của đô la Mỹ và các loại tiền fiat khác để có được cái nhìn khách quan. Chúng có phải là phương tiện trao đổi xuyên biên giới quốc tế thuận tiện không? Chúng có cung cấp cho chúng ta mức giá ổn định, có thể dự đoán được từ năm này qua năm khác không? Quan trọng nhất, chúng có phải là một kho lưu trữ giá trị hiệu quả trong thời đại lạm phát cao không? Nếu bạn từng phàn nàn về chi phí sinh hoạt tăng cao, chắc chắn bạn đã có câu trả lời.

Tham gia Telegram của Tạp Chí Bitcoin để theo dõi tin tức và bình luận về bài viết này: https://t.me/tapchibitcoinvn

Minh Anh

Theo Forbes

Theo dõi trang Twitter | Theo dõi kênh Telegram | Theo dõi trang Facebook