‘Bộ đệm’ nợ xấu đang thay đổi phân hóa giữa các ngân hàng
Nợ xấu của nhiều ngân hàng phình to nhanh chóng khiến tỉ lệ bao phủ nợ xấu không thể theo kịp. Bên cạnh đó, vẫn có những ngân hàng chấp nhận hi sinh lợi nhuận để đảm bảo an toàn.
Tỉ lệ bao phủ nợ xấu phân hóa giữa các ngân hàng
Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế, nợ xấu hầu hết ngân hàng đều ghi nhận tăng mạnh.
Theo thống kể từ báo cáo tài chính quí III/2020 , tổng nợ xấu nội bảng của của 28 ngân hàng được thông kê đã tăng xấp xỉ 30% sau 9 tháng đầu năm. Điều này gây áp lực lớn lên “bộ đệm” rủi ro nợ xấu của ngân hàng và sự phân hoá bắt đầu trở nên rõ rệt.
Trong 15 ngân hàng được khảo sát có 8 tổ chức ghi nhận tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm, thậm chí giảm rất mạnh.
ACB, ngân hàng thường xuyên có tỉ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao khoảng 175% trong hai năm trở lại đây đã ghi nhận mức sụt giảm về 117,5% sau 9 tháng đầu năm khi nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh hơn 71%.
“Ông lớn” VietinBank cũng là một trong những ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh trong ba quí đầu năm từ gần 120% về 83,8%. Nợ xấu của ngân hàng đã tăng 67% trong 9 tháng đầu năm trong khi dự phòng cho vay khách hàng tăng 17%.
Ngoài ra, điều này cũng được ghi nhận tại một số ngân hàng khác như LienVietPostBank, MSB, Eximbank,… nhưng với mức giảm thấp hơn.
Trong khi mức độ bao phủ nợ xấu tại nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu yếu đi thì tại một số nhà băng khác chỉ tiêu này lại tăng trưởng mạnh, có thể kể đến như Techcombank, Vietcombank, MB, Sacombank,…
“Bộ đệm” dự phòng của Techcombank có sự thay đổi rõ rệt nhất khi tăng từ mức 94,8% cuối năm ngoái lên 148% tại thời điểm 30/9. Điều này được lí giải do trong thời gian vừa qua, Techcombank đã xử lí được hơn 55% nợ xấu, trong khi số dư dự phòng chỉ giảm khoảng 30%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện tại việc giảm nợ xấu là hi hữu tại các ngân hàng. Do đó, khác với Techcombank, việc tăng mức bao phủ nợ xấu tại những nhà băng khác như Vietcombank, MB hay Sacombank lại nhờ vào việc hi sinh lợi nhuận tăng mạnh trích lập dự phòng.
Cụ thể, Vietcombank đã trích lập một khoản lớn cho dự phòng nâng tỉ lệ bao phủ nợ xấu vốn đã khá cao trước đó (gần 180%) lên 215% trong khi nợ xấu của ngân hàng tăng 36% trong 9 tháng đầu năm. Vietcombank cho biết với mức dự phòng rủi ro hiện tại, ngân hàng có thể xử lí toàn bộ nợ xấu cộng với nợ nhóm 2 mà vẫn thừa ra khoảng 4.000 tỉ đồng.
Tại MB, trước tình hình nợ xấu tăng hơn 39%, ngân hàng cũng đã phải tăng dự phòng rủi ro cho vay lên gần 50% để phòng thủ. Qua đó, kéo tỉ lệ bao phủ nợ xấu từ 110,4% lên gần 119%. Hay tại Sacombank, tỉ lệ bao phủ nợ xấu cũng đã tăng từ 79% lên hơn 92% khi nợ xấu ngân hàng tăng 19% trong ba quí đầu năm.
Nợ xấu chưa được phản ánh đầy đủ
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, các con số nợ xấu công bố hiện tại chưa phản ánh chính xác được tình trạng thực tế về chất lượng tài sản các ngân hàng.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các qui định cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đang “phủ lớp son” lên báo cáo tài chính của các ngân hàng.
Hay nói cách khác, nợ xấu có thể chưa được phản ánh đầy đủ trong báo cáo tài chính của các ngân hàng và nợ xấu sẽ lộ diện sau khi các qui định cơ cấu thời hạn trả nợ kết thúc.
VDSC cho rằng không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch, và vượt ngưỡng 3% do NHNN đặt ra vào năm 2021.
Chia sẻ với các phóng viên bên lề Toạ đàm “Bình thường mới – Tìm kênh đầu tư hiệu quả”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nhận định với tác động từ COVID-19 tăng trưởng tín dụng tương đối thấp, tiềm ẩn nợ xấu đã và đang tăng lên.
“Theo số liệu từ các ngân hàng niêm yết, số liệu nợ xấu đã tăng khoảng 30% và vì thể cả năm nợ xấu nội bảng có thể ở mức 3% cuối năm 2020. Trong năm tới còn có thể tăng hơn nữa (tới 3,5 – 4%) do tác động của nền kinh tế tới ngân hàng có độ trễ”, ông chia sẻ.
Tiềm ẩn nợ xấu vẫn còn khiến cho ngân hàng tiếp tục đối mặt với thách thức trong quá trình xử lí nợ xấu và phải có những bước chuẩn bị nhất định nhằm nâng cao khả năng chống chọi trước những rủi ro trong tương lai.
• VietnamBiz