Cần sớm có hành lang pháp lý cho vay ngang hàng
Tình trạng các công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) biến tướng, thực hiện hành vi tội phạm tại Việt Nam đặt ra yêu cầu bức thiết về qui định kiểm soát, quản lý mô hình này.
Cho vay ngang hàng biến tướng
Trong dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế gửi các cơ quan lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đã đưa ra cảnh báo về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending).
Theo Bộ KH&ĐT, do khung khổ pháp lý hiện hành ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể đối với hoạt động P2P Lending, nên các công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính… cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay trên nền tảng giao dịch trực tuyến.
Hoạt động của mô hình P2P Lending mang lại ảnh hưởng tích cực, nhưng nếu không được quản lý, giám sát chặt chẽ, thì có thể phát sinh các loại hình biến tướng, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, đặc biệt là có thể gia tăng rủi ro nợ xấu.
Hiện nay, có hiện tượng một số công ty cho vay P2P là kênh phân phối, tìm kiếm khách hàng cho công ty cầm đồ, hoặc công ty cầm đồ hợp tác với công ty công nghệ xây dựng nền tảng giao dịch trực tuyến để tìm kiếm người đi vay và thực hiện cho vay.
Thậm chí, một số đối tượng có thể lợi dụng sự biến dạng của mô hình cho vay P2P để thực hiện hành vi tội phạm, bất hợp pháp (rửa tiền, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, đa cấp…), quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh để lừa đảo, chiếm dụng vốn…
Theo Bộ Công an, hiện chưa có quy định pháp luật về hoạt động cho vay ngang hàng nhưng cả nước đang có khoảng 100 công ty cho vay ngang hàng. Các công ty cho vay ngang hàng hoạt động biến tướng, không đúng bản chất của loại hình này là kết nối người cho vay với người vay. Một số công ty cho vay ngang hàng lách luật thu thêm phí dịch vụ, nâng lãi suất lên tới 700%/năm.
Các công ty cho vay ngang hàng đang cấu kết với cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, bán dữ liệu, thông tin cá nhân người vay để quảng cáo, môi giới, tiếp thị theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống.
Trong đó, có công ty cho vay ngang hàng sau 3 năm hoạt động có tới 14.000 tổ chức, cá nhân tham gia với vai trò bên cho vay, 1,5 triệu cá nhân tham gia với vai trò người vay. Công ty có hoạt động cho vay ngang hàng đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh như dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính nên khó kiểm soát.
Cần sớm có hành lang pháp lý
Hiện nay, khuôn khổ pháp lý để quản lí lĩnh vực Fintech tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình rà soát, sửa đổi bổ sung.
Theo văn bản trả lời ý kiến của Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai hồi tháng 7, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng đánh giá sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn đối với công tác quản lí, giám sát đối với các cơ quan quản lí nhà nước nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng qui định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính.
Theo đó, ông Hưng cho biết NHNN đã tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp quản lí đối với hoạt động này. Cụ thể, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Báo cáo cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng để trình Chính phủ, dự kiến đưa lĩnh vực cho vay ngang hàng vào Đề án cơ chế quản lí thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (Cơ chế Regulatory Sandbox).
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các giải pháp truyền thông như khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kĩ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lí rõ ràng điều chỉnh đối với lĩnh vực này và khuyến nghị người dân tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo.
Tại “Diễn đàn Xây dựng thương hiệu quốc gia cho Công nghệ tài chính Ngân hàng” hôm 9/12, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Chính phủ cần ban hành quy định đối với hình thức cho vay ngang hàng trong thời gian tới.
“Cứ mỗi ngày chưa có quy định về P2P Lending, là một ngày chúng ta giờ phải chứng kiến nhiều thiệt hại hơn cho nhiều thành phần kinh tế. Trong đó, nguy hiểm nhất là lỗ hổng về sự vắng mặt của các quy định pháp luật, trong việc cho vay giữa các cá nhân và các thành phần kinh tế với nhau mà không thông qua hệ thống ngân hàng truyền thống”, ông Hiếu cảnh báo.
• VietnamBiz