Áp lực nợ xấu sẽ là gánh nặng của ngành ngân hàng trong năm 2021
Kết thúc quý III/2020, nhiều ngân hàng ghi nhận lãi lớn từ hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, một số phân tích cho rằng, trừ các ngân hàng có tài sản tương đối bền vững, an toàn, một số ngân hàng vẫn báo lãi lớn là do chưa mạnh tay trích lập dự phòng. Rủi ro nợ xấu của các ngân hàng vẫn còn hiện hữu và có thể bộc lộ rõ hơn trong năm 2021.
Thống kê của Công ty cổ phần FiinGroup trong báo cáo FiinPro Digest mới đây cho thấy, trong quý III/2020, tổng thu nhập hoạt động của 21 ngân hàng niêm yết tăng 12,6% so với quý II/2020 và 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết giảm nhẹ 1% so với quý II/2020 và tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân chính là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 29,5% so với quý II/2020 và tăng 19,8% so với cùng kỳ. Việc này cho thấy các ngân hàng đã mạnh tay hơn trong việc trích lập dự phòng trong quý III/2020, sau khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 15,9% trong quý II/2020 so với quý I/2020.
Tuy vậy, Fiin Group cũng cho rằng, dự phòng rủi ro vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của dịch COVID-19 lên lợi nhuận do các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo nội dung của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 và chỉ phải trích lập tương ứng.
Tính cho cả giai đoạn 9 tháng năm 2020, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh ở mức 10,2% và mức tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, tác động của đại dịch COVID-19 tới chất lượng tài sản của các nhà băng đã làm bộc lộ những tiềm ẩn của vấn đề nợ xấu.
Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của 27 ngân hàng của Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) cho thấy, tổng nợ xấu nội bảng của những ngân hàng này tại ngày 30/9/2020 là hơn 111.000 tỷ đồng, tăng 29,5% so với đầu năm, với nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 70%.
Trong số 27 ngân hàng, chỉ có 4 ngân hàng có nợ xấu nội bảng giảm là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).
Trong số đó, Techcombank có nợ xấu giảm mạnh nhất, từ 3.078 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 1.384 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020 (tức giảm tới hơn một nửa). Hơn nữa, Techcombank từ ngân hàng đứng thứ 8 về số nợ xấu nội bảng đã xuống thứ 21 trong 27 ngân hàng và cũng là ngân hàng có ít nợ xấu nhất trong những ngân hàng lớn.
Ngoài ra, 3 ngân hàng còn lại có nợ xấu giảm nhưng không quá đột biến gồm SeABank giảm xuống 2.184 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống 2,23%); NCB giảm 1,3% xuống 720 tỷ đồng; PGBank giảm 4,5% xuống 715 tỷ đồng.
Đối với các ngân hàng còn lại, ABS cho rằng, mặc dù xu hướng lợi nhuận tăng nhìn chung phổ biến, song rủi ro từ nợ xấu ngày một lớn.
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn ghi nhận tăng mạnh trong quý III/2020 là do các ngân hàng chưa trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng số nợ cơ cấu lại tại các ngân hàng tính đến cuối tháng 11/2020 vào khoảng 340.000 tỷ đồng. “Nếu trong số nợ này có tới 30-50% phải chuyển nhóm nợ sang nợ xấu hơn thì mức độ lợi nhuận phải trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng là rất lớn. Điều này có nguy cơ cuốn băng đi lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong năm nay, thậm chí là cả năm 2021”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết.
Cũng theo ông Cấn Văn Lực, trong trường hợp các ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng cả số nợ cơ cấu lại theo yêu cầu của Bộ Tài chính thì khả năng sẽ có ngân hàng âm thanh khoản trong năm tới. Bởi trước đó, Bộ Tài chính có ý kiến đề nghị các ngân hàng phải đánh giá thực trạng, thực chất khoản nợ, cụ thể là phân loại đúng tính chất nợ, trích lập dự phòng đầy đủ để hạn chế những rủi ro, ảnh hưởng đến hệ thống sau này.
Do vậy, Tiến sĩ Cấn Văn Lực dự báo, nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng có thể sẽ tăng lên 3% vào cuối 2020 và trong năm 2021 sẽ tăng lên 4%.
Các phân tích của Công ty TNHH PwC Việt Nam trong báo cáo “Tương lai ngành dịch vụ tài chính” cũng chỉ ra rằng, ngành dịch vụ tài chính sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ các hiệu ứng bậc hai. Cụ thể là chất lượng tín dụng của khách hàng ngày càng suy giảm, cùng với môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì khi hậu quả của đại dịch dần bộc lộ trong toàn bộ nền kinh tế ở vài năm tới.
Theo bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo Dịch vụ Tài chính tại PwC Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng tài chính của cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính.
Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, ngành tài chính không gặp phải những bất lợi đáng kể so với phần còn lại của nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại tiềm ẩn khi những tác động vốn đang được trì hoãn này diễn ra trong tương lai.
“Thách thức đặt ra cho ngành dịch vụ tài chính là làm sao định hướng và vượt qua môi trường khó khăn hiện nay cùng lúc cân đối giữa cắt giảm chi phí và đầu tư. Thực hiện tốt điều này sẽ là các doanh nghiệp thành công”, đại diện PwC Việt Nam cho biết.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát và nền kinh tế dần phục hồi, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong thời gian tới; NIM (lãi suất cận biên) có thể được cải thiện bằng cách thay đổi cơ cấu cho vay và tiền gửi. Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, tác động của nợ xấu chỉ có thể được ngăn chặn khi các ngân hàng thận trọng trong việc thẩm định tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng.
• VietnamBiz