Chi phí tắt Internet ở Ấn Độ là 2.8 tỷ đô la vào năm 2020
Một báo cáo mới cho thấy việc ngừng hoạt động internet trong khu vực của Ấn Độ vào năm 2020 khiến nền kinh tế của nước này thiệt hại khoảng 2.8 tỷ đô la và trở thành quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do chính phủ thao túng internet vào năm ngoái.
Việc tắt Internet được hiểu là cố ý làm gián đoạn truy cập internet hoặc liên lạc điện tử nhắm vào một vị trí hoặc khu vực dân cư cụ thể, thường được các chính phủ sử dụng để kiểm soát tình trạng bất ổn nhưng thường dẫn đến vi phạm nhân quyền, từ việc bịt miệng báo chí và cản trở các cuộc biểu tình ôn hòa đến cắt quyền truy cập thông tin.
Báo cáo cho biết các vụ việc ngừng hoạt động liên tục trên khắp Ấn Độ, kết hợp với tình trạng mất điện ở khu vực Kashmir đang tranh chấp kéo dài trong nhiều tháng, lên đến 8,927 giờ và ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người. Ngoài ra, Ấn Độ và Myanmar là 2 quốc gia ngắt Internet lâu nhất trong năm thứ hai liên tiếp.
Báo cáo “Chi phí tắt Internet toàn cầu vào năm 2020” được nền tảng đánh giá Top10VPN của Virtual Provider Network (VPN) công bố, đã tổng hợp các trường hợp thao túng internet trên toàn cầu trong năm và cho thấy các vụ việc ngắt mạng lớn diễn ra ở 21 quốc gia bao gồm Belarus, Yemen và Myanmar, tạo ra khoản lỗ tổng cộng hơn 4 tỷ đô la – với khoản lỗ của Ấn Độ chiếm khoảng 3/4 tổng chi phí toàn cầu.
Báo cáo lưu ý sự gián đoạn Internet ở những quốc gia trên diễn ra dưới nhiều hình thức: mất điện toàn bộ, tắt mạng truyền thông xã hội và điều tiết internet (khi các nhà cung cấp dịch vụ internet giới hạn băng thông hoặc tốc độ internet của người dùng).
Nhà nghiên cứu quyền kỹ thuật số Samuel Woodhams tại Top10VPN và là một trong các tác giả của báo cáo nói qua một email:
“Gián đoạn internet không chỉ là hành động tự phá hoại kinh tế, mà còn vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, quyền được thông tin và quyền tự do hội họp một cách hòa bình”.
Báo cáo chỉ ra ở các quốc gia như Myanmar và Yemen, gián đoạn internet có thể đã ngăn cản người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nhận được thông tin và cập nhật quan trọng tình hình sự lây lan của COVID-19.
Woodhams nói:
“Bằng cách làm gián đoạn truy cập internet, các nhà chức trách đã từ chối quyền truy cập thông tin quan trọng về virus của công dân … và có thể đã tạo ra các điều kiện để virus lây lan tăng nhanh”.
Tuy nhiên, chi phí kinh tế toàn cầu của việc ngừng hoạt động internet vào năm 2020 đã giảm 50% so với năm 2019, khi phân tích hàng năm của Top10VPN cho thấy khoản lỗ 8 tỷ đô la. Ví dụ, 263 ngày gián đoạn ở Iraq khiến quốc gia này thiệt hại 2.3 tỷ đô la trong năm 2019 so với Ấn Độ, quốc gia mất 2.8 tỷ đô la trong hơn 8,000 ngày gián đoạn.
Woodhams giải thích điều này là do sự chênh lệch về quy mô giao thoa.
“Việc ngắt kết nối ở Iraq và Sudan vào năm 2019 rất tốn kém bởi vì chúng ở phạm vi toàn quốc, thay vì cục bộ. Ở Ấn Độ, tất cả các hạn chế đều nhắm vào khu vực, không phải toàn quốc, do đó tác động lên nền kinh tế ít hơn vì chỉ một tỷ lệ dân số bị hạn chế”.
Trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2020, Ấn Độ là quốc gia tắt Internet lâu nhất được ghi nhận trong một nền dân chủ vì khu vực Kashmir vẫn chìm trong bóng tối trong ít nhất 7 tháng lúc đó. Cuối cùng khi internet được khôi phục, người dùng chỉ có quyền truy cập với tốc độ 2G, một ví dụ về việc chính phủ quản lý internet nghiêm ngặt trong một thời gian dài.
“Mặc dù thường có rất ít sự minh bạch về việc ai đã ra lệnh gián đoạn, nhưng thông thường các nhà chức trách luôn buộc công ty phải giảm tốc độ”.
Anh nói thêm rằng nhóm nghiên cứu tại Top10VPN luôn cập nhật tình hình ngừng hoạt động internet trong suốt cả năm và thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn bao gồm tổ chức giám sát internet phi chính phủ Netblocks – là tổ chức mà các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng để ước tính chi phí, cũng như công cụ theo dõi việc tắt internet của Software Freedom Law Center (Trung tâm Luật Tự do Phần mềm) của Ấn Độ.
Mục tiêu của các báo cáo tổng hợp chi phí ngừng hoạt động internet trên phạm vi toàn cầu là để khiến các nhà chức trách trên toàn thế giới phải suy nghĩ kỹ về việc áp đặt những gián đoạn kỹ thuật số có chủ ý này, Woodhams nói.
Minh Anh
Theo Coindesk
Theo dõi trang Twitter | Theo dõi kênh Telegram | Theo dõi trang Facebook