Hàng trăm nghìn cổ phiếu DongA Bank được rao bán với giá sốc trong thời gian cấm chuyển nhượng
Một cá nhân mới đây đã rao bán 164.000 cổ phiếu DongA Bank với giá lên tới 8.000 đồng/cp, cao gấp 2-3 lần những lần rao bán trước đó. DongA Bank hiện vẫn nằm trong diện kiểm soát đặc biệt và cổ đông không được chuyển nhượng cổ phiếu.
Hàng trăm nghìn cổ phiếu DongA Bank được rao bán
Theo thông tin trên sanotc (một trong những cổng thông tin giao dịch cổ phiếu trên thị trường OTC lớn nhất), một cá nhân mới đây đã rao bán 164.000 cổ phiếu EABANK của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).
Đáng chú ý, giá cổ phiếu EABANK trong lần rao bán này lên tới 8.000 đồng/cp, cao gấp 2-3 lần những lần rao bán trước đó. Trong lần gần đây nhất vào cuối năm ngoái, một cá nhân khác đã rao bán 100.000 cổ phiếu EABANK với giá 2.800 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, ngay sau đó ngày, một tài khoản cá nhân khác lại tìm mua 20.000 cổ phiếu EABANK với giá chỉ 2.000 đồng/cp. Đây cũng là cá nhân đầu tiên tìm mua cổ phiếu EABANK trên trang giao dịch này kể từ tháng 9/2019.
Trước đó, sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, từ ngày 14/8/2015, toàn bộ cổ đông của DongA Bank không được chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng. Chỉ trong trường hợp đặc biệt và trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới xem xét việc chuyển nhượng cổ phần.
Cơ cấu cổ đông của DongA Bank
Ngay sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, ngày 14/8, DongA Bank đã phát đi thông báo toàn bộ cổ đông ngân hàng không được chuyển nhượng cổ phần của ngân hàng. Trong trường hợp đặc biệt, NHNN sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.
Đồng thời, ngân hàng cũng đã hoàn trả tiền các cổ đông đã nộp trong đợt ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng.
Theo cáo trạng của Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao công bố vào ngày 12/10/2018, vốn điều lệ của DongA Bank tại thời điểm đó là 5.000 tỷ đồng với 100% cổ đông trong nước. Trong đó, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%.
Cụ thể, nhóm gia đình ông Trần Phương Bình sở hữu 10,24% vốn điều lệ; nhóm CTCP vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%; nhóm CTCP Xây Dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73%; Văn phòng Thành ủy TP HCM chiếm 12,79%.
Trong đó, CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 được biết đến là doanh nghiệp của ông Phan Văn Anh Vũ (hay được biết đến là Vũ Nhôm).
DongA Bank hoạt động kinh doanh như thế nào?
Giai đoạn 2008 – 2011 là những năm “vàng son” của DongA Bank khi lợi nhuận trước thuế tăng trưởng bình quân 22%/năm, đạt đỉnh hơn 1.250 tỷ đồng vào năm 2011.
Quy mô tiền gửi khách hàng và cho vay khách hàng đạt tăng trưởng bình quân lần lượt là 22% và 19%/năm.
DongA Bank từng được xem là ngân hàng đi đầu về dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam; đồng thời cũng là một trong những nhà băng đầu tiên triển khai thanh toán điện tử (mobile banking, internet banking…).
Tuy nhiên, ngân hàng này dần xuống dốc sau khi hàng loạt sai phạm của lãnh đạo ngân hàng bị phát giác. Đặc biệt, sai phạm của ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongA Bank) khiến ngân hàng lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2011 – 2013, khối lượng nợ xấu của DongA Bank tăng gần 3 lần, từ 740 tỷ đồng lên 2.117 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng tăng từ 1,68% (năm 2011) lên gần 4% (năm 2013).
Trước tình trạng này, DongA Bank đã tập trung xử lý nợ xấu, chủ yếu thu hồi nợ là chính nên hoạt động cho vay chững lại.
Lợi nhuận của DongA Bank vì vậy liên tục giảm mạnh. Tới năm 2014, lãi trước thuế của DongA Bank chỉ còn 35 tỷ đồng.
Đồng thời từ năm 2015 đến nay, ngân hàng không công bố báo cáo tài chính.
Theo số liệu mới nhất được ngân hàng cập nhật, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 63.450 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm 2019 và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong nửa đầu năm 2019, thu nhập từ dịch vụ đạt 247 tỷ đồng, xấp xỉ so cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kì.
Cũng trong khoảng thời gian này, ngân hàng đã thu hồi được 1.870 tỷ đồng nợ có vấn đề cả gốc và lãi. Lũy kế từ thời điểm 8/2015 đến 6/2019, ngân hàng đã thu hồi 16.350 tỷ đồng nợ xấu.
• VietnamBiz