Điểm danh 17 ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống NHNN vừa phân loại
Trong danh sách 17 ngân hàng thương mại lọt vào Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2021, có 15 ngân hàng đã niêm yết.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định phê duyệt Nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống năm 2021.
Theo đó, trong danh sách 17 ngân hàng được xếp vào nhóm “quan trọng”, có 15 ngân hàng thương mại đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Cụ thể, gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Mã: LPB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Mã: CTG), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (Mã: BID), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Mã: SSB), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB).
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Mã: TCB), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Mã: VCB), Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (Mã: HDB), Ngân hàng TMCP Quân Đội (Mã: MBB), Ngân hàng TMCP Quốc tế (Mã: VIB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Mã: STB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Mã: TPB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Mã: VPB).
Hai ngân hàng còn lại là Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
NHNN yêu cầu cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của 17 tổ chức tín dụng nêu trên để ngăn ngừa rủi ro có tính trọng yếu, rủi ro mang tính hệ thống.
Theo Thông tư số 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có tầm quan trọng hệ thống là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có khả năng gây tác động tiêu cực lên toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và/hoặc rủi ro hệ thống làm gián đoạn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ nền kinh tế trong trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc khả năng chi trả.
Nội dung giám sát ngân hàng gồm:
Thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát ngân hàng theo yêu cầu giám sát.
Xem xét, theo dõi tình hình chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc thực hiện kết luận thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng của đối tượng giám sát ngân hàng.
Phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Phát hiện, cảnh báo các yếu tố tác động, xu hướng biến động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động, các rủi ro, nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các rủi ro, vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật.
• VietnamBiz