Cổ phiếu ngân hàng khuấy đảo thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến giao dịch đột biến tại cổ phiếu STB và SHB trong những ngày cuối tháng 3. Trước đó, SSB và BAB cũng gây chú ý với hàng loạt phiên tăng trần liên tiếp sau niêm yết, thị giá tăng hàng chục, hàng trăm %.
Bùng nổ về thanh khoản, gây sốc về tăng giá
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những phiên giao dịch nhiều cảm xúc trong tháng 3 với tâm điểm là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Trong ngày 30/3, cổ phiếu STB của Sacombank bất ngờ tăng trần với khối lượng giao dịch khớp lệnh cao kỷ lục gần 100 triệu đơn vị, giá trị giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng.
Sang phiên 31/3, tiếp tục có gần 57 triệu cổ phiếu STB được trao tay giữa các nhà đầu tư, đồng thời thị giá STB cũng tăng thêm 4,6% lên mức 21.450 đồng/cp. Kể từ đầu năm, STB đã tăng giá tổng cộng hơn 27%.
Không chỉ đột biến trong giao dịch khớp lệnh, cổ phiếu này cũng chứng kiến nhiều phiên thỏa thuận khối lượng lớn trong tháng 3.
Đơn cử, ngày 24/3 có gần 45,2 triệu cổ phiếu STB được thỏa thuận ở giá 20.000 đồng/cp, tương đương giá trị gần 901,5 tỷ đồng. Trước đó, ngày 10/3,17/3 và 22/3 lần lượt có 15,1 triệu, 15,4 triệu và 11,7 triệu cổ phiếu STB được thỏa thuận. Tổng khối lượng thỏa thuận từ đầu tháng 3 đạt gần 120 triệu cổ phiếu, với giá trị hơn 2.347 tỷ đồng.
Theo công bố thông tin từ HOSE, chưa có bất kỳ tổ chức hay cá nhân báo cáo giao dịch khối lượng lớn cố phiếu STB trong tháng 3. Do vậy, nghi vấn về sự bùng nổ thanh khoản đổ dồn về phía Kienlongbank và Eximbank, hai ngân hàng đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo.
Trước đó, cả hai nhà băng này đều có ý định bán số cổ phiếu thế chấp trên để xử lý nợ xấu và thực tế Kienlongbank từng cho biết đã bán một phần cổ phiếu STB trong tháng 1.
SHB cũng là hiện tượng trong tháng 3 khi sở hữu chuỗi ngày tăng giá mạnh liên tiếp. Sau khi dập dình quanh vùng 16.000 đồng/cp trong suốt tháng 2 và đầu tháng 3, SHB đã bức phá mạnh trong hai tuần vừa qua với hàng loạt phiên tăng trần.
Đóng cửa ngày 31/3, thị giá SHB đạt 25.700 đồng/cp, tăng gần 62% trong tháng 3 và tăng 51% so với cuối năm 2020.
Cùng với diễn biến giá, thanh khoản SHB cũng liên tục ở mức cao. Lũy kế từ đầu năm, có tổng cộng gần 2,05 tỷ cổ phiếu SHB được giao dịch với giá trị đạt hơn 36.360 tỷ đồng (bình quân 35,3 triệu đơn vị/phiên, tương đương 627 tỷ đồng). Trong đó, hơn 91% lượng cổ phiếu SHB được trao tay theo phương thức khớp lệnh trực tiếp trên sàn.
Bên cạnh SHB và STB, cổ phiếu BAB của Bac A Bank và SSB của SeABank cũng gây chú ý với chuỗi tăng trần liên tiếp sau khi niêm yết.
Lên HNX với giá tham chiếu 16.000 đồng/cp vào ngày 3/3, ngay trong phiên giao dịch đầu cổ phiếu BAB của Bac A Bank đã tăng kịch mức cho phép 30% với chỉ 2 lệnh được khớp trong phiên ATO. Các phiên giao dịch sau đó cũng ghi nhận diễn biến tương tự; thậm chí, trong ngày 10/3 không có bất kỳ cổ phiếu BAB nào được giao dịch.
Kết phiên 16/3, giá BAB đã leo lên đỉnh 34.000 đồng/cp sau 8 phiên tăng kịch trần và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tương ứng mức sinh lời hơn 112% so với giá tham chiếu khi lên sàn và cao hơn 55% so với giá đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường UPCoM (21.900 đồng/cp).
Tương tự, cổ phiếu SSB cũng duy trì 6 phiên phủ sắc tím sau khi lên HSX và lập kỷ lục là cổ phiếu ngân hàng có chuỗi tăng trần nhiều nhất ngành ngân hàng trong năm nay. Đóng cửa phiên 31/3, SSB dừng ở 28.150 đồng, tăng 67,6% so với mức 16.800 đồng chào sàn vào ngày 24/3.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì được đà hưng phấn trong quý I/2021 nhưng nhìn lại, cũng có nhiều mã thiếu vắng những cú nhảy và dần mờ nhạt trong sự sôi động của thị trường.
Đơn cử như VCB của Vietcombank, mặc dù dẫn đầu toàn ngành về lợi nhuận và vốn hóa nhưng trong suốt những tháng đầu năm, thị giá VCB liên tục đổ đèo, từ 107.000 đồng xuống 95.000 đồng/cp. Tương tự, BID cũng giao dịch lình xình quanh 43 – 44.000 đồng/cp sau cú rớt mạnh vào cuối tháng 1.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ hút tiền?
Diễn biến của mỗi cổ phiếu gắn với câu chuyện riêng, trên nền tảng kết quả kinh doanh và triển vọng của từng ngân hàng. Nhưng, tất cả đều đang vận động trong bối cảnh tiền nhiều và rẻ cùng với làn sóng tham gia thị trường nhà đầu tư F0.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến cuối tháng 3, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước.
Trong khi đó, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong 2 tháng đầu năm đạt kỷ lục hơn 143.000 (theo Trung tâm lưu ký chứng khoán). Đến cuối tháng 2, số tài khoản giao dịch trong nước chiếm 2,91 triệu, trong đó tài khoản của nhà đầu tư cá nhân chiếm 99,4%.
Chia sẻ tại tọa đàm ”Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB cho rằng dịch COVID-19 đẩy dòng tiền vào chứng khoán.
Theo đó, có nhóm 5 nhóm ngành tích cực trong thời gian tới, trong đó nhóm ngành ngân hàng chiếm 35% tổng thanh khoản thị trường năm ngoái và năm nay, có rất nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng cao từ 40-50%. Dư địa với một số cổ phiếu trong nhóm ngành này còn khá tốt, giá còn hấp dẫn.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường BVSC đánh giá các yếu tố vĩ mô có nhiều thuận lợi cho thị trường từ tiền rẻ đến Đại hội XIII thành công.
”Thị trường chứng khoán nằm trong xu hướng phát triển chung của kinh tế. Trong ngắn hạn, dù thể gặp một số trở ngại, song nhìn chung thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển”, ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, nhóm ngân hàng chắc chắn trụ vững và có sự dẫn dắt đến thị trường. Theo quan sát của BVSC sau khi Mỹ có động thái bơm tiền, các thị trường bất động sản, hàng hóa,… sau đó sẽ hưởng lợi. Do đó, sau ngân hàng, các nhóm bất động sản, hàng hóa có thể chuyển biến tích cực.
Về triển vọng ngành, trong báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp năm 2020 và triển vọng 2021, FiinGroup dự báo 12 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ có tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 ở mức 18,2% (cao hơn năm 2020 là 14,9%).
Triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng cũng như tiếp tục câu chuyện về doanh thu dịch vụ trong đó đặc biệt là bán thu nhập bán chéo bảo hiểm (bancasurance) của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB, MSB và HDBank.
• VietnamBiz