Bitcoin thứ hai hay trò lừa đảo?
Nhiều chuyên gia cho rằng Pi Network là một dự án có mô hình hoạt động giống đa cấp và dấu hiệu lừa đảo người dùng.
So với ngày trước, đào bitcoin bây giờ không còn là một khoản đầu tư hữu hiệu khi chi phí để đầu tư và duy trì những “trâu cày” không hề nhỏ, thời gian hoàn vốn cũng lâu hơn. Chính vì vậy, nhiều dân cày đã dần chuyển sang những đồng tiền điện tử khác với kỳ vọng kiếm lời tốt hơn.
Đồng Pi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Với những lời quảng cáo như “Đào đồng Pi không tốn năng lượng hay tiền mua trâu cày như bitcoin, có thể đào ở khắp mọi nơi chỉ cần chiếc smartphone”, đồng tiền này đang thu hút đông đảo cộng đồng người Việt tham gia.
Ứng dụng có tên “Pi Network” hiện đã có mặt trên Play Store với hơn 10 triệu lượt tải xuống, còn trên App Store, ứng dụng này hiện đang đứng #4 trong bảng xếp hạng các ứng dụng mạng xã hội.
Trang fanpage của Pi Network cũng vừa công bố đạt 13 triệu người dùng trên toàn thế giới. Sẽ không khó để có thể bắt gặp trên Facebook những hội nhóm lên tới chục nghìn người, kêu gọi tham gia vào Pi Network. Không chỉ thế, nhiều tài khoản cá nhân cũng tích cực chia sẻ Pi Network đến với bạn bè và kèm theo mã giới thiệu của bản thân.
Vậy Pi là gì?
Trên trang chủ của dự án, Pi được giới thiệu là một loại tiền điện tử chuyên dụng dành cho các thiết bị di động. Hệ sinh thái Pi Network chỉ bao gồm một ứng dụng di động dùng để đào Pi sau mỗi 24h, ngoài ra không có chức năng nào khác.
Nhóm phát triển Pi bao gồm tiến sĩ Nicolas Kokkalis – chịu trách nhiệm kỹ thuật, tiến sĩ Chengdiao Fan – chịu trách nhiệm sản phẩm và Vincent McPhillip – quản lý cộng đồng Pi Network.
Theo báo cáo, dự án được khởi động từ ngày 14/3/2019, bao gồm 3 giai đoạn: Beta, Testnet (mạng thử nghiệm) và Mainnet (mạng chính thức). Pi Network hiện ở giai đoạn Testnet, bắt đầu từ tháng 3/2020, do đó đồng tiền này chưa chưa thể đổi ra tiền, người đào cũng chưa thể rút Pi.
Để sử dụng ứng dụng Pi Network, người dùng phải trải qua quy trình KYC (định danh khách hàng) để tránh gian lận.
Điều đáng lưu ý là, ngoài quy trình KYC, Pi Network còn yêu cầu thu thập một lượng dữ liệu lớn của người dùng như Sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ lưu trữ USB, Xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi, Đọc danh bạ hay Nhận dữ liệu từ Internet…
Vì sao đào Pi trở nên phổ biến?
Vào năm 2008, giá trị của bitcoin cũng giống như Pi thời điểm bây giờ. Khi đó, nhiều người vẫn hoài nghi về giá trị của đồng tiền điện tử giá trị nhất thế giới hiện nay. Nhưng trong những ngày gần đây bitcoin đã lập đỉnh kỷ lục tại mức 58.300 USD.
Sau những gì diễn ra với bitcoin, những thông tin chào mời trên các trang mạng đều đánh vào tâm lý sợ nhỡ cơ hội (FOMO) của mọi người. Có thể thấy những dân cày Pi đang kỳ vọng đồng tiền này có thể trở thành “bitcoin thứ hai”.
Không chỉ vậy, Pi Network còn trở nên phổ biến khi đánh trúng vào tâm lý của đa số mọi người là kiếm tiền “nhanh và đơn giản”, theo lời quảng bá trên các nhóm. Việc đào Pi gần như không mất một chi phí nào ngoài việc sở hữu một chiếc smartphone.
Điều này đã khiến những người tham gia có suy nghĩ rằng “được thì tốt, không được chả mất gì”.
Cụ thể, để kiếm Pi, người dùng chỉ cần báo danh sau mỗi 24 giờ bằng cách nhấn nút bắt đầu khai thác. Người dùng cũng không cần phải giữ ứng dụng mở để khai thác và Pi không ảnh hưởng đến hiệu suất của điện thoại hay làm tốn pin hoặc sử dụng dữ liệu mạng.
Theo chia sẻ trong một số hội nhóm, Pi được kỳ vọng sẽ có phiên bản chính thức (mainnet) vào cuối năm nay. Khi đó những người giữ Pi sẽ có thể trao đổi, mua hàng hóa và dịch vụ trên thị trường Pi, hoặc có thể đổi ra các loại tiền pháp định.
Dấu hiệu đa cấp?
Một điểm đáng lưu ý là hình thức chào mời các thành viên tham gia “đào Pi” lại có dấu hiệu đa cấp.
Sau khi phần mềm được cài đặt vào điện thoại, tốc độ “đào” Pi mặc định là 0,10 Pi/h. Để tăng tốc độ, cần xác thực danh tính cá nhân và giới thiệu thêm thành viên. Ở bước xác thực danh tính, người dùng buộc phải điền các thông tin cá nhân như ảnh chụp passport, số điện thoại, email…
Theo báo Thanh niên, người đào Pi có thể gia tăng tỷ lệ nhận Pi bằng cách mời thêm bạn bè tham gia cộng đồng và tăng thu nhập bằng cách xây dựng vòng tròn bảo mật gồm 3-5 người đáng tin cậy được mỗi thành viên Pi xây dựng, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận trên ứng dụng.
Trên các nhóm cộng đồng, hàng loạt bài viết về Pi Network được chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên đa phần các bài viết đều kêu gọi tìm kiếm người để xây dựng “network”. Khi xây dựng xong, người dùng sẽ lên một cấp cao hơn và có thể nhận nhiều ưu đãi hơn, thậm chí là nhận % từ số tiền người “cấp dưới” đào được.
Pi Network có phải lừa đảo không?
TS. ĐẶNG MINH TUẤN
Giám đốc trung tâm nghiên cứu Blockchain QNET, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC
-
Ông Đặng Minh Tuấn là tiến sĩ chuyên ngành toán và mật mã, từng nghiên cứu toàn bộ mã nguồn của Bitcoin và Ethereum.
-
Hiện nay, ông còn là Phó Chủ tịch CLB FinTech (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Trưởng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông).
-
Ông là cha đẻ của phần mềm gõ tiếng Việt Vietkey ra đời năm 1994.
Chia sẻ trên Vietnamnet, TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC, đã chỉ ra những điểm đáng nghi ngờ nhất của dự án Pi Network.
Thứ nhất, ông cho rằng đến thời điểm này đào đồng Pi là một quá trình hết sức mờ ám, bởi đào là một quá trình để xác thực các giao dịch, mà chưa có sổ cái/blockchain, chưa có giao dịch thì việc đào xác thực không có ý nghĩa gì.
Thứ hai, công nghệ blockchain là công nghệ đòi hỏi sử dụng các khóa riêng tư private key để xác thực. Tuy nhiên, có tài khoản mà không có private key, không có địa chỉ ví thì khó chuyển tiền hay tiêu tiền được.
Cuối cùng, vị chuyên gia khẳng định Pi Network hiện không có chút giá trị nào vì mã nguồn đóng, tiền đào ra chỉ được lưu trên điện thoại người dùng hoặc trên máy chủ tập trung và “việc đào Pi cũng như nhặt sỏi đá và mơ ước đến một ngày không xa thế giới sẽ công nhận sỏi đá có giá trị như vàng”.
Theo TS. Tuấn, người tham gia dự án này sẽ “mất thông tin cá nhân, mất thời gian, mất tài nguyên của điện thoại, và có thể mất thêm thông tin khác trong máy, mất công sức để lôi kéo người khác vào cái gọi là vòng tròn tin tưởng khá giống đa cấp”.
Đánh giá về đồng Pi, Tiến sĩ Nguyễn Lê Anh, một chuyên gia toán học và CNTT hàng đầu Việt Nam, cũng đã lên tiếng cảnh báo “trình Pi chỉ là một chiếc đồng hồ chạy giờ, nó tạo ra cảm giác là dùng điện thoại đào tiền”.
“Hệ thống lừa đảo sẽ cho ra sàn giao dịch Pi mà giá tăng lên hàng ngày. Khi ấy các bạn sẽ được khuyến cáo là trả thêm một ít tiền Việt thì sẽ mua được rất nhiều tiền Pi. Khi ấy các bạn sẽ bị rút tiền, bởi các bạn đã cung cấp cho kẻ lừa đảo đầy đủ các thông tin cần thiết để lấy hết tiền của các bạn. Hệ thống lừa đảo này, chưa lừa các bạn ngay đâu, sẽ nuôi các bạn một thời gian và sẽ tính toán rất chính xác thời điểm lừa tất cả các bạn”, ICTNews trích lời cảnh báo của TS. Lê Anh.
Trước đó, ông Cem Dilmegani, nhà sáng lập Al Multiple, cựu cố vấn công nghệ của những công ty tư vấn quả lý McKinsey, cũng nhận xét rằng ứng dụng Pi Network hoạt động chẳng khác nào “một hệ thống tiếp thị đa cấp, hứa hẹn phần thưởng tương lai khi thành viên bỏ thời gian và công sức để thu hút người dùng mới”.
Mặc dù có nhiều nghi vấn về việc Pi Network có phải lừa đảo hay không, tuy nhiên, cho đến nay, dự án này vẫn hoàn toàn dựa trên tính tự nguyện.
Theo quan điểm của những người ủng hộ, dự án này chưa làm ai mất tiền nên không thể kết luận rằng đây là một sự lừa đảo.
• VietnamBiz