Các mánh lới dân Trung Quốc dùng để lén chuyển tiền ra nước ngoài

Đã qua rồi cái thời dân Trung Quốc dùng những biện pháp thủ công như chất đầy tiền mặt trong hành lý hoặc buộc tiền vào người khi lên máy bay. Với các dịch vụ ngân hàng hiện đại và sự ra đời của tiền mã hóa, người Trung Quốc hiện nay có những thủ thuật tinh vi hơn nhiều để mang tiền ra nước khác.

Các mánh lợi dân Trung Quốc dùng để lén chuyển tiền ra nước ngoài - Ảnh 1.

Nhân viên ngân hàng Trung Quốc đếm xấp tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Hầu hết mọi tài sản toàn cầu đều chịu ảnh hưởng bởi dòng tiền Trung Quốc, từ các cuộc IPO nóng bỏng ở Hong Kong cho đến những căn hộ sang trọng ở Vancouver. Nhưng về mặt kỹ thuật, phần lớn các giao dịch mua này đều là kết quả của việc dân Trung Quốc lách luật.

Luật kiểm soát vốn của Trung Quốc cấm công dân sử dụng hạn ngạch ngoại hối hàng năm 50.000 USD/người để trực tiếp mua tài sản hoặc chứng khoán ở nước ngoài, trừ một số kênh đầu tư gián tiếp.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm và số tiền liên quan, các biện pháp trừng phạt có thể là từ chối cấp hạn ngạch trong tương lai hoặc kết án hình sự.

Do giới chức trách Trung Quốc thường xuyên dập tắt các mánh lới thông dụng, cách chuyển tiền cũng thay đổi theo thời gian. Các biện pháp phổ biến hiện nay là tiền mã hóa, giao dịch ngang hàng. Việc chuyển các vali đầy ắp tiền ra nước ngoài đã trở nên lỗi thời.  

Dưới đây là các cách thức người Trung Quốc lén chuyển tiền ra nước ngoài mà Bloomberg tổng hợp được.

1. Tài khoản nước ngoài

Điều kiện tiên quyết để tiêu tiền ở nước ngoài là phải có tài khoản ngân hàng nước ngoài. Sở hữu tài khoản nước ngoài là hợp pháp với công dân Trung Quốc.  

Các ngân hàng quốc tế như Standard International Bank cung cấp tài khoản Mỹ được mở trực tuyến mà không yêu cầu tiền gửi. Một khi có tài khoản nước ngoài, người Trung Quốc có thể gửi vào số tiền bằng với hạn ngạch. 

Sau đó, người này chỉ cần chuyển tiền vào tài khoản chứng khoán là đã có thể chen chân vào làn sóng IPO nóng bỏng của thị trường Hong Kong.

Mỗi bước trong biện pháp trên đều hợp pháp, nhưng xét theo tổng thể thì nhà đầu tư Trung Quốc đã vi phạm cam kết về mục đích sử dụng ngoại hối. Nhưng việc này cũng không làm chùn bước các nhà đầu tư. Tại một công ty chứng khoán, các khách hàng đại lục đã thúc đẩy số lượng mở tài khoản mới tăng gấp 10 lần trong năm nay.

Rủi ro: Cho tới nay giới chức trách Trung Quốc đã nhắm mắt làm ngơ trước các hành động trên và cơ quan quản lý ngoại hối đang xem xét cho phép người dân mua trực tiếp cổ phiếu ngoài đại lục.

Tuy nhiên, nếu các quan chức đổi ý và quyết định chấm dứt hoạt động trên, người vi phạm có thể bị thêm vào danh sách theo dõi của cơ quan quản lý tiền tệ, bị từ chối cấp hạn ngạch ngoại hối trong ba năm và bị điều tra chống rửa tiền.

2. Giao dịch ngang hàng

Đối với người muốn tránh thu hút sự chú ý với các giao dịch xuyên biên giới – hoặc chuyển tiền vượt quá hạn mức 50.000 USD – một lựa chọn phổ biến khác là “trao đổi hai chiều”.

Ví dụ, anh Huang muốn chuyển tiền ra nước ngoài. Đầu tiên, Huang cần tìm người muốn chuyển lãi đầu tư về Trung Quốc. Sau đó cả hai thỏa thuận về các điều khoản, ví dụ như tỷ giá và ai là người hành động trước. Tiếp theo, Huang chuyển nhân dân tệ vào tài khoản ở Trung Quốc của đối tác, còn người này chuyển ngoại tệ vào tài khoản nước ngoài của Huang.

Các mánh lợi dân Trung Quốc dùng để lén chuyển tiền ra nước ngoài - Ảnh 2.

Có cung ắt có cầu. Một số đại lý bảo hiểm có trụ sở tại Hong Kong đã tự biến mình thành công ty đổi tiền ngầm cho những người cần HKD, nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Rủi ro: Ngoài nguy cơ là “đối tác” sẽ biến mất ngay khi nhận được tiền, mối đe dọa lớn nhất là án phạt hình sự. Theo một tài liệu do Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc công bố, việc mua bán ngoại hối gian lận hoặc giao dịch ngoại hối dưới hình thức trá hình có thể dẫn đến bản án hình sự.

3. Tiền ảo

Công nghệ blockchain của tiền mã hóa khiến chúng khó bị theo dõi và trở thành con đường hoàn hảo để đổ tiền vào thị trường xám. Vấn đề là các nhà chức trách cũng biết điều đó.

Ông Da Hongfei, nhà sáng lập Onchain, công ty cung cấp giải pháp blockchain cho biết: “Không có kênh hợp pháp nào để giao dịch bitcoin ở Trung Quốc. Một số người dựa vào giao dịch ngang hàng, nhưng cách này cũng không dễ dàng”.

Bước đầu tiên là sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để thoát khỏi web do Trung Quốc kiểm soát và thiết lập tài khoản giao dịch tiền mã hóa.

Để nạp tiền vào tài khoản, hầu hết mọi người sử dụng nhân dân tệ để mua USDT, một đồng tiền kỹ thuật số từ Tether. Họ thường mua token USDT từ những người dùng hiện tại. Đồng tiền này được nhiều nền tảng tiền mã hóa chấp nhận làm thanh toán vì chúng được đảm bảo bởi số USD cùng giá trị. 

Sau đó token USDT có thể được dùng để mua một loại tiền mã hóa được chấp nhận rộng rãi như bitcoin và thanh toán trực tiếp cho các giao dịch ở nước ngoài. Hoặc token cũng có thể được bán lại kèm theo yêu cầu người mua chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng nước ngoài của người bán.

Rủi ro: Không có sàn giao dịch tiền điện tử nào được cấp phép chính thức ở Trung Quốc. Ngoài ra vì tiền mã hóa vẫn là một phương tiện được ưa chuộng cho các mục đích bất hợp pháp như rửa tiền nên bất kỳ khoản tiền nào bị nghi ngờ có liên quan đến hoạt động phạm pháp cũng có thể khiến tài khoản ngân hàng nước ngoài bị đóng băng.

4. Các cuộc chơi M&A

Các cá nhân hoặc công ty lớn có biện pháp khác là thổi phồng giá mua tài sản.

Người muốn chuyển tiền qua nước ngoài bằng cách thức này có thể dàn xếp để trả giá quá cao cho một tài sản nước ngoài. Tiếp đó người bán sẽ trả phần chênh lệch giữa giá giao dịch và giá thị trường cho một bên liên quan đến người mua dưới dạng phí tư vấn. “Khoản phí” này sau đó có thể được gửi vào tài khoản ngân hàng nước ngoài của người mua.

Bà Shen Meng, Giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co cho biết các công ty có tài sản vô hình như tài sản trí tuệ là mục tiêu mua lại hoàn hảo cho mục đích trên.

Sau khi chờ một khoảng thời gian, tài sản đã mua có thể được bán lại cho một đối tác địa phương khác với giá thấp hơn thị trường. Người bán có thể tuyên bố rằng hoạt động kinh doanh đã thất bại do các quyết định tồi hoặc môi trường kinh doanh thay đổi.

Các mánh lợi dân Trung Quốc dùng để lén chuyển tiền ra nước ngoài - Ảnh 3.

Rủi ro: Trung Quốc đã tăng cường giám sát các thương vụ mua lại ở nước ngoài do lo ngại về rủi ro hệ thống. Động thái này chủ yếu nhắm vào các tập đoàn lớn nhất, nhưng mọi thương vụ đều có thể bị dò xét gắt gao hơn.

• VietnamBiz