Cách vượt qua căng thẳng tài chính cho phụ nữ

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ thường bị căng thẳng về tài chính nhiều hơn nam giới và đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm tình hình.

Theo CNBC, trên thực tế, 79% phụ nữ cho biết họ cảm thấy bị đè nặng bởi tiền bạc và căng thẳng tài chính, (tăng 12% so với khoảng nửa năm trước), theo báo cáo khảo sát áp lực tài chính mới nhất của Fidelity Investments (Mỹ). 

Trong số những người nói rằng họ lo lắng về tình hình tài chính thì có tới 72% lo lắng về việc không có đủ tiền tiết kiệm khi nghỉ hưu để sống thoải mái. Ngoài ra, 71% người được hỏi bị căng thẳng về khả năng tiết kiệm cho các mục tiêu ngoài thời gian nghỉ hưu.

Áp lực tài chính của phụ nữ đến từ đâu?

Cân bằng giữa công việc và trách nhiệm chăm sóc bản thân cũng như gia đình, khả năng quản lý chi phí hàng ngày và đảm bảo công việc cũng đè nặng lên tâm trí của những người phụ nữ.

Kể từ khi COVID-19 xảy ra hồi tháng 2/2020, gần 5,1 triệu việc làm dành cho phụ nữ ở Mỹ đã biến mất, chiếm tới 53,5% tổng số việc làm ròng bị mất, Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia cho biết. Nhiều người khác cũng đang phải rời xa công việc để chăm sóc con cái hoặc các thành viên khác trong gia đình. 

Bà Lorna Kapusta, người đứng đầu nhóm các nhà đầu tư nữ giới của Fidelity, cho biết: “Phụ nữ bắt đầu tự đánh mất mình. Một nửa số phụ nữ nói với chúng tôi rằng họ đang cắt giảm việc chăm sóc bản thân”, cô nói thêm. “Một phần ba phụ nữ ngủ ít hơn” vì áp lực tài chính.

Cách vượt qua căng thẳng tài chính cho phụ nữ - Ảnh 1.

Phụ nữ dễ căng thẳng về tài chính hơn nam giới. (Nguồn: HelpGuide.org)

Với phụ nữ, hai rào cản lớn nhất đối với việc giải quyết vấn đề tài chính là sự xấu hổ và nỗi sợ hãi. Dù vậy, có một số tin tốt rằng kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy có đến 71% phụ nữ có kế hoạch hành động bằng tiền tiết kiệm trong 6 tháng tới và 60% nói nhiều hơn về các chủ đề tài chính với gia đình và bạn bè, tăng từ 34% khi bắt đầu đại dịch, Fidelity Investments nhận thấy. 

Tuy nhiên, kiểm soát tài chính chỉ là một trong những cách để đối phó với căng thẳng.

Cách đối mặt và vượt qua căng thẳng tài chính cho phụ nữ

Nhà trị liệu và huấn luyện tài chính Carrie Rattle, Giám đốc điều hành và người sáng lập Behavioral Cents có trụ sở tại New York, cho biết để vượt qua căng thẳng, phụ nữ cần học cách đối diện và trở nên mạnh mẽ hơn. Những phương pháp phổ biến gồm có:

 1. Xoay chuyển những cảm xúc tiêu cực

Bà Rattle giải thích, phụ nữ thường dễ xấu hổ khi nghĩ về những gì người khác nghĩ về mình. Tuy nhiên, bạn có thể coi đại dịch COVID-19 là cơ hội giúp bạn giải phóng cảm xúc đó. 

Bà nói: “Phụ nữ giữ sự xấu hổ trong lòng” nhưng theo bà, để quản lý tài chính tốt hơn thì bạn cần phải thay đổi cách nhìn nhận cả với những cảm xúc tiêu cực. “Không có gì xấu hổ, bởi vì hầu như tất cả mọi người đều ở cùng một vị trí”, bà khẳng định.

Trong khi đó, nỗi sợ hãi dẫn đến căng thẳng tài chính thường xuất phát từ cái tôi của chính bạn. Đôi khi, chính cái tôi lớn khiến bạn rơi vào bế tắc. “Hãy lấy cái tôi nhỏ bé của bạn và đặt cho nó một cái tên”, bà Rattle nói thêm. “Bạn có thể cảm ơn nó trước khi hất hết cảm xúc sợ hãi ra khỏi đôi vai mình”.

2. Quản lý tài chính có tổ chức

Rattle nói, khi bạn bị căng thẳng về tài chính, bạn có thể cảm thấy nó nghiêm trọng hơn nhiều so với thực tế: “Bạn tiếp tục lặp lại những nỗi lo giống nhau, những con số giống nhau, những khoản thấu chi giống nhau mỗi ngày”.

Giải pháp dành cho bạn là hãy liệt kê tất cả ra giấy hoặc trên các ứng dụng tài chính. Bạn cần tập trung vào những gì bạn sẽ chi tiêu đến trong mỗi tháng, những chi phí cố định bạn phải trả – chẳng hạn như tiền thuê nhà hoặc thế chấp – những khoản chi phí có thể thay đổi hàng tháng và những gì khoản ngoài dự kiến. Rattle nói: “Nếu bạn có thể bắt đầu xác định chính xác mức chi tiêu hàng tháng và thông minh hơn trong điều chỉnh ngân sách, bạn sẽ có một kế hoạch chi tiêu hiệu quả”.

Một kế hoạch tài chính lý tưởng sẽ có 50% dành cho các chi phí thiết yếu, 15% dành cho khoản tiết kiệm, chuẩn bị nghỉ hưu và 5% để xây dựng quỹ khẩn cấp. 30% còn lại mang lại cho bạn sự linh hoạt và có thể hướng tới những sản phẩm, dịch vụ bổ trợ, giải trí, cho phép bạn tiết kiệm thêm hoặc đầu tư.

3. Đừng chậm trễ trong hành động

Thời điểm tốt nhất để hành động là khi bạn đang cảm thấy khó khăn về tài chính, bà Rattle khẳng định. Một khi chúng ta thoát khỏi đại dịch và nếu căng thẳng của bạn bắt đầu giảm bớt, áp lực phải làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn có thể cũng sẽ giảm bớt.

Rattle nói: “Cuộc sống sẽ bình thường hóa và bạn sẽ quên đi căng thẳng, làm từng bước một và chắc chắn bạn sẽ ít gặp căng thẳng tài chính hơn”.

• VietnamBiz