Chiến lược quản lý tài chính để xây dựng tài sản triệu USD

Một vũ công 32 tuổi ở Mỹ đã xây dựng được khối tài sản trị giá 4 triệu USD nhờ 5 quyết định chiến lược về tiền bạc và quản lý tài chính cá nhân.

Adrian Brambila bắt đầu sự nghiệp của mình bằng công việc mà anh ấy yêu thích, với tư cách là một vũ công dự bị cho T-Pain. Khi đang đi lưu diễn ở Mỹ thì công việc của anh đột ngột kết thúc và anh buộc phải tìm việc làm thay thế. 

Anh đã tìm được công việc văn phòng với tư cách là đại diện dịch vụ khách hàng cho một công ty lập kế hoạch tài chính ở Dubuque, bang Iowa nước Mỹ, kiếm được 27.000 USD mỗi năm khi mới 21 tuổi.

Hai công việc rất khác nhau, nhưng mỗi công việc đều dạy anh một điều quan trọng. Khi làm việc cho T-Pain, anh đã chứng kiến cuộc sống của một người có khối tài sản kếch xù và điều này khiến anh khao khát được tự do tài chính. 

Tuy nhiên, khi mất việc, anh bắt đầu không hiểu rằng mình phải làm gì để đạt được điều đó. Cho đến khi bắt đầu làm việc tại công ty tài chính chuyên về kế hoạch hưu trí, Brambila mới bắt đầu hiểu tầm quan trọng của việc quản lý tiền thông minh và rằng bất kỳ ai cũng có thể đạt được sự độc lập về tài chính bằng cách thực hiện các bước đi phù hợp.

Chiến lược quản lý tài chính để xây dựng tài sản triệu USD - Ảnh 1.

Adrian Brambila có tài sản triệu USD khi mới 32 tuổi. (Nguồn: Business Insider).

“Tôi đã và đang được nghe về những người Mỹ bình thường nhưng phi thường, những người đã tiết kiệm trong suốt sự nghiệp và sắp nghỉ hưu. Tôi chỉ mới 21 tuổi và tôi có thể giúp họ, từ việc nắm rõ con số trong tài khoản của họ; tôi có thể biết họ có bao nhiêu. Khi tôi nhận thấy một người sắp nghỉ hưu ở tuổi 59 hoặc thậm chí sớm hơn có tới 1 triệu USD thì tôi đã tự hỏi họ làm thế nào”, Brambila nói với Business Insider

“Không ai trong số những người mà tôi đã nói chuyện hay tư vấn thực sự có thu nhập cao”, anh nói.

Hiện nay, Brambila đã 32 tuổi. Anh ấy dành phần lớn thời gian của mình để sống trên một chiếc xe du lịch để đi khắp đất nước với vợ. Chỉ trong vòng 12 năm, anh đã tạo dựng được giá trị tài sản ròng hơn 4 triệu USD.

Chiến lược quản lý tài chính cá nhân giúp người trẻ làm giàu

1. Tránh các khoản nợ thẻ tín dụng

Brambila luôn tập trung vào việc sử dụng tiền của mình để đầu tư nhằm tạo dựng sự giàu có lâu dài và do đó, anh có thể biết rõ tỷ suất lợi nhuận mà anh có thể nhận được cho số tiền của mình khi nó được đặt trong tài khoản môi giới hoặc quỹ hưu trí. 

Khi xem xét lãi suất liên quan đến khoản nợ thẻ tín dụng, anh hiểu rằng kể cả đi đầu tư cũng không thể bù được mức lãi suất đó, vì vậy, anh tránh xa nợ thẻ tín dụng và tất cả các khoản nợ có lãi suất cao khác.

“Sống đúng với khả năng của bản thân là điều mà hầu hết người Mỹ đang phải vật lộn. Tiếp thị và truyền thông xã hội cho chúng ta biết đến nhiều thứ, đồng thời tạo  tâm lý sở hữu càng nhiều thứ càng tốt, càng lớn càng tốt. 

Sở hữu nhiều thứ tốt hơn là ít và nếu bạn không thể mua nó ngay bây giờ thì chỉ cần quẹt thẻ tín dụng là xong”, tỷ phú trẻ Brambila nói với Insider. “Nợ thẻ tín dụng là một mối nguy hiểm hàng đầu trong Giấc mơ Mỹ”.

2. Rèn luyện thói quen chi tiêu tiết kiệm

Bên cạnh đó, Brambila cũng không phung phí, ít khi chi tiêu cho những khoản chi đắt đỏ. Anh là người theo chủ nghĩa tối giản và thực tế, cách làm đó đã giúp anh tiết kiệm được một phần trăm lớn thu nhập trong suốt cuộc đời của mình. Ngay cả khi kiếm được 27.000 USD mỗi năm thì anh đã tiết kiệm tới 30% tổng thu nhập.

Chiến lược quản lý tài chính để xây dựng tài sản triệu USD - Ảnh 2.

Chi tiêu tiết kiệm là một giải pháp tài chính mà hầu hết những người giàu có đều thực hiện. (Nguồn: ICMA)

Bây giờ khi đã kiếm được nhiều tiền hơn đáng kể, anh có thể tiết kiệm 90% mỗi USD mình kiếm được. Nói với Insider, anh thừa nhận rằng mình đã thừa hưởng cách tiếp cận này từ cha mẹ – những người đã dạy anh chỉ mua những gì anh cần chứ không phải những gì anh muốn. Và rõ ràng, đây là một chiến lược quản lý tài chính cá nhân cực kỳ thông minh.

“Tâm lý ‘vụn vặt’ này thực sự rất tốt để xây dựng sự giàu có. Nó giúp bạn tập trung vào việc tiết kiệm thay vì chi tiêu. Ngày nay, mặc dù tôi là một triệu phú, nhưng tôi đã học được rằng những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc sống không đến từ những thứ bạn tìm thấy ở cửa hàng”, Brambila nói.

3. Có quỹ khẩn cấp bằng 6 tháng sinh hoạt

Điều rất quan trọng đối với Brambila là có một quỹ khẩn cấp để cung cấp cho bản thân và gia đình một sự chuẩn bị an toàn trong khi anh ta vẫn tập trung vào công việc và các mục tiêu tài chính khac. Nếu không có tiền mặt trong ngân hàng, anh biết rằng bất kỳ điều gì nhỏ nhặt cũng có thể khiến mình quay trở lại điểm khởi đầu hoặc buộc phải nợ thẻ tín dụng.

Brambila nói: “Khi bạn đang bắt đầu từ con số 0 thì bạn có tâm lý như phải leo lên một ngọn đồi dốc, vì vậy, bất cứ điều gì cũng có thể đánh gục bạn, chẳng hạn như hỏng xe, chi phí y tế hoặc thất nghiệp”.

4. Chú ý đến các khoản đầu tư

Nếu chỉ tiết kiệm dựa trên các khoản thu nhập, bạn sẽ khó mà trở nên giàu có. Quản lý tài chính cá nhân không chỉ là tiết kiệm mà còn cần đầu tư để nhận về khoản lợi nhuận đáng kể. Đó cũng là cách mà Brambila đã dùng để từng bước trở thành triệu phú. Từ việc phân chia thu nhập thành các khoản tiết kiệm, đầu tư, hưu trí, quỹ khẩn cấp, cuối cùng anh đã có thể tự chủ tài chính.

5. Đa dạng hóa các dòng doanh thu

Brambila tin rằng nhiều nguồn thu nhập là chìa khóa để giàu có hơn mỗi ngày. Anh đã thực hiện cách tiếp cận này từ rất sớm trong sự nghiệp của mình. Khi mới tốt nghiệp đại học, anh ấy có 3 công việc: Làm một công việc ban ngày, dạy khiêu vũ tại một studio và có một công việc kinh doanh trực tuyến rất nhỏ dạy nhảy.

Trong vòng 4 năm, công ty trực tuyến của anh đã phát triển đến mức anh ấy có thể làm việc toàn thời gian. “Công việc bán thời gian ít ỏi đó đã tạo ra một khoản thu nhập bổ sung. Đó là điều mà tôi luôn khuyến khích mọi người, tìm cách kiếm tiền ngoài công việc văn phòng của mình. Đôi khi đó chỉ đơn giản là công việc bạn yêu thích”, Brambila nói.

Ngay cả khi đã giàu có, Brambila vẫn tiếp tục phương pháp này và có 3 nguồn thu nhập chính: Đầu tư, cho thuê bất động sản, công ty liên kết trực tuyến và thương mại điện tử.

• VietnamBiz