Cổ phiếu ngân hàng phân hóa trong hai tháng đầu năm
Tính chung hai tháng đầu năm, số cổ phiếu ngân hàng tăng giá vẫn chiếm ưu thế với 14/25 mã, tuy nhiên cũng có tới 11 mã sụt giảm.
Sau một năm bùng nổ cùng nhịp tăng của thị trường chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã thể hiện sự phân hóa trong hai tháng đầu năm 2021.
Tính chung hai tháng giao dịch vừa qua, 25 mã ngân hàng đạt mức tăng bình quân 5,6%, thấp hơn so với chỉ số Vn-Index (+5,8%). Trong đó, số cổ phiếu tăng giá vẫn chiếm ưu thế với 14/25 mã, tuy nhiên cũng có tới 11 mã ghi nhận sụt giảm về thị giá.
Tăng giá mạnh nhất trong những tháng đầu năm là NVB của Ngân hàng Quốc dân. Khởi đầu năm 2021 với giá 10.000 đồng/cp nhưng đến hết tháng 2, cổ phiếu này đã đạt mức 14.700 đồng/cp, tương ứng tỷ suất sinh lời 47%.
Với diễn biến giá trên, vốn hóa thị trường của NCB đã tăng thêm hơn 1.900 tỷ đồng, vươn lên vị trí 20/25 trong danh sách các ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM.
Thị giá NVB bật tăng mạnh trong bối cảnh ngân hàng này đang lấy ý kiến cổ đông về việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Ngoài ra, NCB cũng xin ý kến cổ đông về việc phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong năm 2021.
Bên cạnh đó, lãnh đạo NCB và người thân cũng liên tục mua vào cổ phiếu trong những tháng đầu năm. Mới nhất, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc dân đã mua xong 2,3 triệu cổ phiếu NVB trong tháng 2.
Chỉ đứng sau NVB, TCB cũng ghi nhận mức tăng gần 25%. Riêng tháng 2, giá cổ phiếu này tăng gần 23%. Bên cạnh đó, thanh khoản của TCB cũng liên tục duy trì ở mức cao kể từ đầu năm.
Lũy kế hai tháng vừa qua, có tổng cộng gần 645 triệu cổ phiếu TCB được giao dịch, với giá trị đạt hơn 22.822 tỷ đồng. Trong đó, hơn 603 triệu cổ phiếu TCB (tương đương gần 94%) được khớp lệnh trực tiếp trên sàn.
VPB cũng sở hữu mức tăng hơn 23%; riêng tháng 2, cổ phiếu này bật tăng hơn 33% sau khi giảm 8% trong tháng 1.
Cổ phiếu VPBank bật tăng trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến thương vụ chào bán vốn tại FE Credit của nhà băng này.
Trong báo cáo mới được phát hành, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) dẫn thông tin từ ban lãnh đạo ngân hàng cho biết quá trình thẩm định (due diligence) đã thành công và FE Credit đang đàm phán với đối tác – mặc dù tiến độ thảo luận có phần bị gián đoạn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, VPBank kỳ vọng đàm phán có thể sẽ được hoàn tất vào quý II/2021. Trong trường hợp đàm phán không thành công, VPBank sẽ xem xét IPO FE Credit vào cuối năm.
VIB và MBB cũng là hai cổ phiếu có mức tăng trên 20% kể từ đầu năm. Trong đó, riêng tháng 2/2021, giá hai cổ phiếu này tăng lần lượt gần 26% và 18%.
Ngoài ra, một mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá tốt trong 2 tháng qua như LPB (+18,5%), LPB (+17,6%), VBB (+12,5%), STB (+8,6%),…
Ở chiều ngược lại, PGB của PG Bank là mã giảm sâu nhất ngành ngân hàng. Chốt tháng 2, thị giá cổ phiếu này đã giảm về 13.700 đồng/cp, tương ứng mức giảm gần 23% so với cuối năm 2020.
Mặc dù đã hồi phục 5% trong tháng trước, giá cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt vẫn bốc hơi hơn 15% trong 2 tháng đầu năm do đợt giảm sâu vào tháng 1. Sự sụt giảm này đã kéo vốn hóa của ngân hàng này xuống áp chót ngành ngân hàng với 3.900 tỷ đồng.
Danh sách những cổ phiếu giảm hơn 10% trong 2 tháng qua còn có sự góp mặt của KLB (-11,4%) và SGB (-10,2%).
Theo dự báo của giới phân tích, định giá của cổ phiếu ngành ngân hàng hiện đang ở mức cao so với thị trường chung và so với các năm trước. Tuy nhiên, với đà phục hồi của nền kinh tế và triển vọng kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021.
Trong báo cáo Triển vọng ngành ngân hàng năm 2021, SSI Research dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong năm nay.
SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. Các ngân hàng thương mại quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn (tăng 30%) so với ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 17,2%) do lợi nhuận trước thuế 2020 của các ngân hàng thương mại quốc doanh ở mức thấp (giảm 6% so với 2019).
Các chuyên gia đến từ Chứng BIDV (BSC) cũng đưa ra khuyến nghị khả quan cho nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng trong năm 2021 với quan điểm tăng trưởng lợi nhuận cao nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát tốt chất lượng tài sản sau dịch bệnh.
BSC cho rằng lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất đi ngang và giảm áp lực chi phí dự phòng.
Theo Chứng khoán Rồng Viêt (VDSC), đến cuối năm 2020, mức định giá ngành ngân hàng nói chung đã tiệm cận trung bình lịch sử trong khi tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) và giá trị sổ sách của cả ngành dự kiến không cải thiện theo kịp đà tăng mạnh mẽ hiện nay.
Do đó, nếu bỏ qua các yếu tố hỗ trợ kĩ thuật thúc đẩy giá cổ phiếu toàn ngành như lãi suất, dòng vốn hay nâng hạng, VDSC dự báo sẽ có sự phân hóa trong yếu tố cơ bản trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.
• VietnamBiz