Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, tạo nhiều bất ngờ trong quý đầu năm
Tính chung ba tháng đầu năm, số cổ phiếu ngân hàng tăng giá vẫn chiếm ưu thế với 21/26 mã. Tuy nhiên cũng có 5 mã giảm giá với sự suy yếu của BID và VCB.
Cổ phiếu ngành bank dậy sóng
Kết thúc quý giao dịch đầu tiên năm 2021, xu hướng tăng giá tiếp tục chiếm áp đảo trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Tính chung ba tháng giao dịch vừa qua, 26 mã ngân hàng đạt mức tăng bình quân 10,9%, cao hơn so với chỉ số VN-Index (+7,9%). Trong đó, có 21 cổ phiếu ngân hàng tăng giá và 5 mã ghi nhận sụt giảm.
Tăng giá mạnh nhất trong những tháng đầu năm là SSB của SeABank. Lên HSX với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp vào ngày 24/3, ngay trong phiên giao dịch đầu cổ phiếu SSB đã tăng kịch mức cho phép 20%.
Các phiên giao dịch sau đó cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Qua đó duy trì 6 phiên phủ sắc tím sau khi lên HSX và lập kỷ lục là cổ phiếu ngân hàng có chuỗi tăng trần nhiều nhất ngành ngân hàng. Đóng cửa phiên 31/3, SSB dừng ở 28.150 đồng, tăng 67,9% so với mức tham chiếu 16.800 đồng chào sàn.
Với diễn biến giá trên, vốn hóa thị trường của SSB đạt hơn 34.000 tỷ đồng, vượt qua OCB và HDBank và vươn lên vị trí 12/26 trong danh sách các ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM.
Chỉ đứng sau SSB, NVB của Ngân hàng Quốc dân ghi nhận mức tăng giá 52% trong quý I. Thị giá NVB bật tăng mạnh trong bối cảnh ngân hàng này đang lấy ý kiến cổ đông về việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Ngoài ra, NCB cũng xin ý kến cổ đông về việc phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi trong năm 2021.
Bên cạnh đó, lãnh đạo NCB và người thân liên tục mua vào cổ phiếu trong những tháng đầu năm. Mới nhất, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc dân đã mua xong 2,3 triệu cổ phiếu NVB trong tháng 2.
SHB cũng ghi nhận mức tăng giá trên 50% trong quý I khi sở hữu chuỗi ngày tăng giá mạnh liên tiếp vào cuối tháng 3. Đóng cửa ngày 31/3, thị giá SHB đạt 25.700 đồng/cp, tăng gần 62% trong tháng 3 và tăng 51% so với cuối năm 2020.
Cùng với diễn biến giá, thanh khoản SHB cũng liên tục ở mức cao. Lũy kế 3 tháng đầu năm, có tổng cộng gần 2,05 tỷ cổ phiếu SHB được giao dịch với giá trị đạt hơn 36.360 tỷ đồng (bình quân 35,3 triệu đơn vị/phiên, tương đương 627 tỷ đồng).
Riêng trong phiên 26/3, có hơn 79,9 triệu cổ phiếu SHB được trao tay giữa các nhà đầu tư theo hình thức khớp lệnh trực tiếp, giá trị đạt gần 1.523 tỷ đồng.
Sau khi tăng 125% vào năm 2020, thị giá VIB tiếp tục leo dốc mạnh trong quý I/2021 với mức tăng 49,4%.
Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, VIB đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 29%, lên trên 7.500 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu.
Ngoài ra, một mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá trên 20% trong quý I như LPB (+39,9%), VPB (+37,4%), BAB (+35,8%), TCB (+28,3%), STB (+26,9%) và MBB (+22,4%).
Không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng tăng giá
Ở chiều ngược lại, BID là mã giảm sâu nhất ngành ngân hàng trong quý I/2021. Chốt tháng 3, thị giá cổ phiếu này đạt mức 42.950 đồng/cp, tương ứng giảm gần 10,3% so với cuối năm 2020.
Cùng với BID, VCB của Vietcombank cũng giảm 3,2% trong 3 tháng đầu năm. Riêng tháng 3, thị giá VCB mất 3,5% và là mã giảm mạnh nhất ngành.
Mặc dù đã hồi phục 10,6% trong tháng trước, giá cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt vẫn bốc hơi 6,2% trong quý I do đợt giảm sâu vào tháng 1. Qua đó kéo vốn hóa của ngân hàng này xuống áp chót ngành ngân hàng với 4.313 tỷ đồng.
Danh sách những cổ phiếu giảm giá trong quý I còn có sự góp mặt của PGB (-10,1%) và SGB (-2,2%).
• VietnamBiz