Cung tiền không tăng sốc và lạm phát chưa phải yếu tố đáng ngại tại Việt Nam

Các chuyên gia của SSI cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì tốc độ tăng cung tiền M2 ổn định trong thời gian qua và sắp tới, lạm phát chưa phải yếu tố đáng ngại đối với Việt Nam.

SSI Research: Cung tiền không tăng sốc và lạm phát chưa phải yếu tố đáng ngại tại Việt Nam - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính).

Trong báo cáo mới đây về chính sách tiền tệ các nước trên thế giới, Trung tâm phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam rất thận trọng và mang tính chất ổn định cao trong thời gian qua.

Thứ nhất, về mặt cung tiền, kể từ tháng 3/2020 đến nay, ngân hàng trung ương các nước trong khu vực ASEAN (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia…) đều tăng tốc độ mở rộng cung tiền rất mạnh nhưng NHNN Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng cung tiền M2 ổn định ở quanh mức 13 – 14% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với mức tăng trưởng tín dụng.

Để đối phó với dịch bệnh, NHNN đã có 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay, tiền gửi ngắn hạn trong năm 2020 nhưng không bơm tiền thêm trên thị trường mở. Lượng tiền bơm ra thị trường trong năm 2020 chủ yếu thông qua giao dịch mua vào ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối. 

Sang năm 2021, giao dịch ngoại tệ với NHNN chuyển sang mua kỳ hạn và có thể hủy ngang. Tính từ đầu năm đến nay, lượng tiền bơm ròng qua thị trường mở và kênh ngoại tệ đều bằng 0.

Về lạm phát, CPI tháng 3 giảm 0,27% so với tháng trước và có nghĩa là CPI bình quân chỉ tăng 0,29% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong 20 năm theo tính toán của Tổng cục Thống kê. Lạm phát cơ bản cũng giảm 0,12% so với tháng trước và lạm phát tổng thể chỉ tăng 0,67% theo năm. 

SSI Research ước tính CPI cuối năm 2021 có thể tăng 4,07% so với cuối năm 2020 nhưng mức CPI trung bình cả năm 2021 sẽ chỉ tăng 2,89% so với năm trước, là mức chưa đáng lo ngại.

Gần đây, NHNN cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021, trong đó các ngân hàng quốc doanh là từ 6,5 – 7,5% (ngoại trừ Vietcombank là 10,5%), các ngân hàng tư nhân từ 8 – 12%. 

Hạn mức tăng trưởng tín dụng 2021 bình quân của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research là 9% – thấp hơn mức bình quân 10% trong đợt giao hạn mức đợt đầu của năm 2020. 

Thông thường, NHNN sẽ có các đợt điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các NHTM trong năm và với mức giao hiện tại, nhóm phân tích cho rằng là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%.

SSI Research: Cung tiền không tăng sốc và lạm phát chưa phải yếu tố đáng ngại tại Việt Nam - Ảnh 2.

Song song với đó, SSI Research nhận định lãi suất liên ngân hàng và lợi tức trái phiếu chính phủ (TPCP) vẫn khá thuận lợi.

Không tính đợt biến động ngắn mang tính chất mùa vụ của lãi suất liên ngân hàng trước và sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở vùng 0,2 – 0,3%/năm với kỳ hạn qua đêm trong suốt 9 tháng qua.

Hiện nguồn cung trên liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, nhóm phân tích dự báo lãi suất trên liên ngân hàng sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp. 

Đối với lợi tức TPCP tại Việt Nam, sau biến động mạnh cuối tháng 3, đầu tháng 4 do dịch bệnh bùng phát, lợi tức TPCP nằm trong xu hướng giảm và đạt đáy vào cuối tháng 1/2021 (giảm tổng cộng gần 1 điểm % so với cuối 2019). 

Bởi vậy, SSI Research nhận định lợi tức TPCP Việt Nam có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới để về mức hợp lý với mặt bằng lãi suất trái phiếu quốc tế; tuy nhiên khó tăng mạnh do thanh khoản các ngân hàng thương mại nhìn chung vẫn khá dư thừa.

• VietnamBiz