Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc bán toàn bộ trái phiếu chính phủ Mỹ đang nắm giữ?
Tính đến cuối tháng 9, Trung Quốc sở hữu 1.060 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại vào năm 2018, đã có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc có thể bán phá giá trái phiếu chính phủ Mỹ để trả đũa các lệnh áp đặt thuế quan thương mại.
Theo South China Morning Post, Chính phủ Trung Quốc không tiết lộ họ đang sở hữu bao nhiêu nợ của Mỹ. Tuy nhiên, theo dữ liệu hàng tháng được Bộ Tài chính Mỹ công bố, Trung Quốc là một trong những chủ nợ lớn nhất của quốc này, bên cạnh Nhật Bản.
Tính đến cuối tháng 9, tổng số nợ của chính phủ Mỹ rơi vào khoảng 20.400 tỉ USD. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 7.000 tỉ USD, tương đương khoảng 35% tổng số nợ. Khoản nợ của Trung Quốc sở hữu xấp xỉ 1.060 tỉ USD (chiếm khoảng 5,2%), đứng thứ hai sau Nhật Bản với 1.270 tỉ USD.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cũng lưu ý rằng dữ liệu có thể không cung cấp con số “kế toán chính xác về quyền sở hữu của từng quốc gia” đối với trái phiếu kho bạc Mỹ, bởi trái phiếu kho bạc Mỹ có thể được giữ trong các tài khoản lưu kí ở nước ngoài mà có thể không thuộc về chủ sở hữu thực tế.
Các nhà phân tích thị trường đã nghi ngờ trong nhiều năm rằng Trung Quốc sử dụng các công ty chứng khoán ở các nước khác để mua thêm nợ của Mỹ.
Vì sao Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ Mỹ?
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã có thặng dư thương mại lớn về hàng hóa và dịch vụ. Thu nhập bằng ngoại tệ của quốc gia này cũng tăng lên nhờ đẩy mạnh giao dịch thương mại với các doanh nghiệp Mỹ và các nước khác được thanh toán bằng USD.
Do đó, Trung Quốc sử dụng khoản tích lũy USD để mua tài sản bằng USD khác, chẳng hạn như trái phiếu kho bạc Mỹ cũng như tài sản bằng các loại tiền tệ khác. Những tài sản này cũng được nằm trong quĩ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc là nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với 3.128 tỉ USD.
Trung Quốc quản lí dự trữ ngoại hối của mình bằng cách đầu tư vào các tài sản khác nhau nhằm chống lại sự biến động của dòng vốn và ổn định nền kinh tế trong các cuộc khủng hoảng tài chính.
Đồng thời, Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ dòng tiền chảy vào và ra khỏi quốc gia, duy trì tỉ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ với USD ổn định để giữ cho xuất khẩu cạnh tranh.
Ngoài ra, việc Trung Quốc tiếp tục duy trì thặng dư thương mại với Mỹ cũng giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cân bằng tỉ lệ lao động có việc làm và giữ cho nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Mặc dù Trung Quốc không công khai số liệu cụ thể về tài sản dự trữ ngoại hối, nhưng ước tính khoảng 1/3 dự trữ ngoại hối của nước này là nợ của chính phủ Mỹ, vốn được đánh giá là “nơi trú ẩn an toàn” bởi chính phủ Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ.
Hai tổ chức xếp hạng tín dụng là Fitch Ratings và Moody’s Investors Services đều đánh giá mức tín dụng của Mỹ lần lượt là AAA và Aaa. Trong khi đó, tổ chức Standard & Poor’s xếp hạng nợ dài hạn của quốc gia này ở mức AA +, ngay dưới mức cao nhất.
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc bán toàn bộ số nợ của Mỹ đang nắm giữ?
Kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu năm 2018, ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc có thể “xóa sổ” khoản nợ Mỹ đang nắm giữ như một cách để trả đũa các lệnh áp đặt thuế quan.
Nếu Trung Quốc bắt đầu bán phá giá nợ của Mỹ, điều này có thể gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu, khiến lãi suất của Mỹ cao hơn và có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, việc bán tháo đột ngột cũng có thể khiến tỷ giá đồng USD giảm so với đồng nhân dân tệ, khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, đồng USD yếu hơn sẽ dẫn đến việc Trung Quốc kiếm được ít tiền hơn từ việc bán trái phiếu của mình, tính theo đồng nhân dân tệ.
Vào tháng 8/2015, Trung Quốc giảm khoảng 180 tỉ USD lượng trái phiếu kho bạc Mỹ nắm giữ, nhưng động thái này gần như không mang lại bất kì phản ứng nào trên thị trường trái phiếu cũng như lãi suất của Mỹ.
Dù vậy, việc chính quyền Bắc Kinh bán tháo qui mô lớn vẫn có thể làm gián đoạn thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ và các thị trường tài chính rộng lớn hơn, đặc biệt nếu đây được coi là một động thái chính trị của chính phủ Trung Quốc nhằm cố ý phá vỡ thị trường.
Thời báo Hoàn cầu trích dẫn nhận định của ông Xi Junyang, giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải cho rằng nếu trong điều kiện bình thường không có biến cố gì xảy ra, Trung Quốc sẽ giảm dần tỉ lệ nắm giữ nợ của Mỹ xuống khoảng 800 tỉ USD.
“Nhưng tất nhiên, Trung Quốc có thể bán tất cả trái phiếu Mỹ của mình trong trường hợp cực đoan, chẳng hạn như xung đột quân sự”, ông Xi nói thêm.
Từ năm 2000, Trung Quốc đã tăng cường mua trái phiếu kho bạc Mỹ, nhu cầu mua của họ đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2014 và lại dần giảm lượng nắm giữ kể từ đó.
Chính quyền Bắc Kinh ngày càng cảnh giác về sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch quốc tế, bởi lẽ quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi trong bối cảnh các mối đe dọa trừng phạt tài chính ngày càng tăng từ chính quyền Washington.
Ngoài ra, triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian dài cũng là mối lo ngại đối với Trung Quốc, vì điều này sẽ làm giảm lợi tức từ trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lí Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, cảnh báo rằng gói kích thích kinh tế chưa từng có của Mỹ có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác.
“Trong một hệ thống tiền tệ quốc tế bị chi phối bởi đồng USD, chính sách nới lỏng định lượng không giới hạn chưa từng có của Mỹ thực sự làm giảm độ tin cậy của đồng USD và làm xói mòn nền tảng của sự ổn định tài chính toàn cầu”, ông Guo viết trong một bài báo đăng trên tạp chí chính thức của Trung Quốc hồi tháng 8.
Trung Quốc đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào USD với việc thúc đẩy sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, do đồng nhân dân tệ không được tự do chuyển đổi nên nó vẫn chưa thể thay thế USD trong các giao dịch quốc tế.
Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm trái phiếu chính phủ Nhật Bản vào dự trữ ngoại hối của mình, nhưng lợi suất không cao bởi lãi suất của Nhật Bản rất thấp.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản và ngân hàng trung ương của nước này, từ tháng 4 đến tháng 7/2020, Trung Quốc đã mua khoảng 1.460 tỉ yen (tương đương 14 tỉ USD) trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Số tiền này gấp 3,6 lần so với cùng kì năm 2019.
Trong khi Trung Quốc có động thái rõ ràng muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ chính phủ Mỹ, tuy nhiên các chuyên gia tin rằng, chính quyền Bắc Kinh có khả năng tiếp tục mua trái phiếu kho bạc Mỹ bởi có rất ít “lựa chọn thay thế” chi phí thấp khác mà không rủi ro.
• VietnamBiz