DN và nỗi ám ảnh ‘danh sách đen’
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên DN gặp khó khăn tạm thời, khiến bị quá hạn trả lãi hoặc gốc, “dính ”nợ xấu sẽ bị liệt vào “danh sách đen”. Kể cả sau đó, DN có hoàn trả gốc và lãi đầy đủ, thì vẫn có “vết” trong hệ thống thông tin ngân hàng và rất khó tiếp cận vốn ở bất kỳ ngân hàng nào khác. không trả đúng hạn các khoản nợ.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Thập- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN vượt qua COVID-19 được tổ chức tại Vĩnh Phúc mới đây.
Mong ngân hàng thực sự đồng hành cùng DN
Theo ông Nguyễn Hữu Thập, loại trừ những trường hợp DN yếu kém cần cẩn trọng thì có những DN chỉ một lần gặp khó tạm thời mà không bao giờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng là quá khắt khe.
Một vướng mắc nữa được được đề cập thế chấp tài sản, không ít cán bộ ngân hàng do năng lực thẩm định dự án hạn chế, thường muốn làm theo cách thuận tiện, giữ an toàn cho mình, không thật sự đồng hành cùng DN.
Cụ thể, các DN có các tài sản phổ biến, dễ bán hơn khi có rủi ro tín dụng như nhà đất, ô tô… thường được ngân hàng “ưa thích hơn” khi mang ra thế chấp hơn so với các tài sản khác. Trong khi với DN, đặc biệt là DN sản xuất mới đầu tư 70-80% nguồn lực vào dây chuyền sản xuất, nhà xưởng… Nhưng đây là những tài sản không ít ngân hàng lại không mặn mà hoặc định giá rất thấp.
Ông Nguyễn Hữu Thập cho rằng, trong trường hợp không thống nhất, cần có cơ quan thứ ba, độc lập tham gia định giá tài sản đảm bảo, tránh việc DN bị định giá thấp tài sản khi vay vốn.
Trao đổi với DN, ông Hà Thanh Hải, Giám đốc Vietcombank Tuyên Quang cho rằng, DN cần hiểu rõ nghĩa của từ tín dụng, nghĩa là “tin” và “dùng” từ 2 phía. “Ngân hàng thấu hiểu khách hàng và ngược lại, ngân hàng luôn muốn xây dựng lòng tin, đồng hành cùng khách hàng trong quá trình phát triển.
Thực tế, ngân hàng luôn đánh giá hiệu quả dự án, còn tài sản đảm bảo chỉ là biện pháp cuối cùng, vì thực tế, mục đích của ngân hàng kinh doanh tiền tệ, không bao giờ muốn để đến mức phải xử lý hay bán tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, ông Hà Thanh Hải cũng khẳng định chia sẻ với DN và trong thời gian tới cần sớm sửa đổi một số cơ chế liên quan để hỗ trợ tốt hơn nữa các DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bám sát các chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất hỗ trợ DN, trong năm 2020, Vietcombank đã giảm lãi suất 5 lần với số tiền xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, đồng thời , thực hiện cơ cấu lại nhóm nợ, giãn nợ, đơn giản tối đa các thủ tục cho khách hàng.
Ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cũng “bày cách” cho DN “trót” để nợ quá hạn, nợ xấu tạm thời, sau khi làm đủ nghĩa vụ với ngân hàng, có tình hình tài chính lành mạnh, có thể làm đơn đề nghị với ngân hàng trực tiếp quan hệ tín dụng. Các thông tin sẽ được tổng hợp trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc giá (CIC) để cập nhật tình hình, khách hàng được xem xét xoá toàn bộ thông tin về nợ xấu để có điều kiện tiếp cận vốn hơn về sau.
Lãi suất vay giảm chậm và ít hơn lãi suất tiền gửi
Đánh giá về cơ chế hỗ trợ hiện nay, ông Phạm Xuân Hoè phân tích, nếu chính sách ban hành nhưng lại có những điều kiện kèm theo quá chặt chẽ khiến người cần thụ hưởng khó tiếp cận.
Đơn cử các chính sách vay với lãi 0% hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do đại dịch, nhưng những trường hợp được thụ hưởng rất ít. Thực tế, nhiều DN gặp khó, thậm chí bán bớt tài sản nhưng cố gắng duy trì việc làm giữ chân lao động. Nếu cho nghỉ không lương, hoặc nghỉ luân phiên cũng chỉ khoảng 1 đến 2 tuần lại đi làm. Nhưng quy định kèm theo để được hỗ trợ thì người phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên mới được hưởng, chưa kể rất nhiều điều kiện phức tạp khác là thiếu thực tế, đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý lao động cần sớm tham mưu, sửa đổi quy định.
“NHNN có chủ trương hạ lãi suất với mục tiêu tạo điều kiện gián tiếp hỗ trợ DN, người dân. Nhưng khi triển khai thực tế, tại các ngân hàng, lãi suất tiền vay luôn hạ chậm và ít hơn so với lãi suất tiền gửi, rất ít DN thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay có trần 4,5%/năm với lĩnh vực các lĩnh vực ưu tiên do một số quy định quá chặt so với thực tế”, ông Phạm Xuân Hòe nhận xét và cho rằng “các chính sách hỗ trợ sẽ giảm ý nghĩa nếu quá khó tiếp cận, cần phải sát với thực tiễn hơn, để sự hỗ trợ đến đúng địa chỉ các đối tượng cần hỗ trợ”.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước-NHNN) cho biết từ đầu năm 2020, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5-2,%/năm đối với lãi suất điều hành.
Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 265 nghìn khách hàng với dư nợ 366 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng thực hiện miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 625 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,06 triệu tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch đối với 426 nghìn khách hàng, doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt hơn 2,65 triệu tỷ đồng.
Trong lĩnh vực thanh toán, ngân hàng đã thực hiện chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán như: ban hành Thông tư điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.
Đồng thời, NHNN chỉ đạo Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và các TCTD thực hiện giảm, miễn phí giao dịch thanh toán cho khách hàng…
Khẳng định các ngân hàng thấu hiểu các khó khăn của DN do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Phó Vụ trưởng Hà Thu Giang cho biết, các ngân hàng xác định, DN có tồn tại, sống khỏe thì ngân hàng mới phát triển và ngược lại. Dù vậy, trong quá trình triển khai các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức vì sự sụt giảm “sức khoẻ” của nhiều DN.
Bà Hà Thu Giang, khẳng định NHNN đang khẩn trương sửa đổi chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng điều chỉnh một số mốc thời gian để TCTD được cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biễn dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam thời gian qua và sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tế triển khai của TCTD.
• VietnamBiz