Đồng USD có thể giảm 20% nếu vắc xin COVID-19 được phân phối rộng rãi

Các chiến lược gia của Citigroup dự báo, việc vắc xin COVID-19 được phân phối rộng khắp có thể khiến đồng USD giảm 20% trong năm 2021.

Bloomberg dẫn nhận định của các chuyên gia Citigroup cho biết, đồng USD có thể giảm tới 20% vào năm 2021 nếu vắc xin COVID-19 được phân phối rộng khắp, giúp tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu phục hồi.

“Chúng tôi tin rằng nếu vắc xin được phân phối rộng rãi sẽ khiến đồng USD giảm giá trong nhiều năm tới, tương tự những gì diễn ra trong những năm đầu thập niên 2000”, các chiến gia của Citigroup trong đó có ông Calvin Tse, Giám đốc chiến lược ngoại hối tại Citi North America, đã viết trong một báo cáo.

So với mức đỉnh của tháng 3, chỉ số USD do Bloomberg tính toán đã giảm khoảng 11% và đang chịu thêm áp lực sau thông tin vắc xin COVID-19 của Moderna đã có hiệu quả trong một thử nghiệm lâm sàng.

Citigroup: Vắc xin COVID-19 được phân phối rộng khắp có thể khiến đồng USD giảm 20% trong năm tới - Ảnh 1.

Nguồn: Bloomberg.

Như dự đoán của các chiến lược gia đưa ra trước đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các bước tiến đột phá về vắc xin và chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể giáng một đòn mạnh vào đồng USD. 

“Kết quả của bầu cử không phải yếu tố quyết định khiến đồng USD lao dốc, môi trường kinh tế vĩ mô sẽ tác động đáng kể đến đồng bạc xanh trong tương lai”, Chuyên gia Citigroup nhận định.

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, ông Tse cho rằng: “Các nhà đầu tư nên mua đồng đô la Úc và đồng krone Na Uy vì cả hai đều là các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa và sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi theo chu kì của kinh tế toàn cầu.”

“Trên hết, ngân hàng trung ương Na Uy đi theo một chính sách tiền tệ thắt chặt trong khi các ngân hàng trung ương khác lại theo hướng nới lỏng, và đồng tiền nước này được định giá rất thấp”, ông Tse cho biết.

Ngoài những tác động từ các đột phá về vắc xin, các chuyên gia Citigroup cũng dự đoán đồng USD có thể chiu ảnh hưởng do Fed sẽ vẫn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng kể cả khi kinh tế toàn cầu dần bình thường trở lại. 

Trong khi đó, các nước khác có thể đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, khiến các nhà đầu tư rút khỏi tài sản tại Mỹ và chuyển sang tài sản của các quốc gia khác.

“Nếu đường cong lợi suất của Mỹ dốc xuống khi kì vọng lạm phát tăng, điều này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư đề phòng rủi ro tiền tệ. Và trong trường hợp này, có khả năng đồng USD sẽ sớm giảm giá”, theo các chiến lược gia Citi.

Các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg cũng dự báo từ nay đến cuối năm 2021 đồng USD sẽ giảm khoảng 3%. Trong quá khứ, đồng USD từng giảm tới 18,5% trong năm 1985.

Citigroup chỉ ra rằng vào năm 2001, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã khiến đồng bạc xanh giảm giá trong nhiều năm. Điều đó thúc đẩy làn sóng toàn cầu hóa và khiến thương mại toàn cầu tăng vọt, nền kinh tế Mỹ gần như bị bỏ lại phía sau với mức tăng trưởng thấp hơn.

• VietnamBiz

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM