‘Dòng vốn ngoại ngày càng quan tâm thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam’
Theo VDSC, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đến từ Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã và đang tăng cường tìm kiếm cơ hội tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam khi thị trường bảo hiểm các nước này đã trở nên bão hòa.
Trong báo cáo chiến lược thị trường năm 2021 vừa công bố, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết dòng vốn ngoại ngày càng quan tâm tới khối bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài (Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản…) đã và đang tăng cường tìm kiếm cơ hội tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam khi thị trường bảo hiểm các nước này đã trở nên bão hòa.
Cùng với đó, các doanh nghiệp nội cũng “rộng cửa” tiếp nhận đầu tư thông qua động thái nới trần sở hữu nước ngoài lên 100% trong các kì đại hội cổ đông 2 năm gần đây tại nhiều doanh nghiệp như Bảo hiểm Bảo Minh, PTI, PJICO… và công bố đàm phán bán vốn cho cổ đông chiến lược.
VDSC đánh giá sự quan tâm của cổ đông ngoại, trong ngắn hạn, sẽ là chất xúc tác cho giá cổ phiếu. Về dài hạn, cổ đông nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp như được hỗ trợ phát triển chuyên môn bảo hiểm, tăng sức mạnh thương lượng với nhà tái bảo hiểm và tăng hạng tín nhiệm để mở rộng kinh doanh sang các thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, VDSC cũng nhận định doanh thu phí bảo hiểm khối phi nhân thọ sẽ phục hồi nhanh hơn khối bảo hiểm nhân thọ.
Theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát Bảo hiểm, trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng 16,6% so với cùng kì.
Trong đó, doanh thu phí nhân thọ tăng trưởng 7,7%, con số này của cùng kì năm ngoái là 10%. Tăng trưởng doanh thu khối nhân thọ trong 9 tháng năm nay và cùng kì năm trước lần lượt là 21,2% và 23,9%.
VDSC cho rằng tăng trưởng mảng phi nhân thọ trở nên kém sắc do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại và du lịch của người dân, gián tiếp kéo giảm nhu cầu về bảo hiểm.
Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm từ mức thấp năm 2019 khiến các doanh nghiệp nhân thọ phải giữ mức tăng trưởng doanh thu hợp đồng mới thấp nhằm giảm gánh nặng chi phí dự phòng.
Theo VDSC, tăng trưởng của ngành sẽ có sự phân hóa giữa khối nhân thọ và khối phi nhân thọ trong năm 2021.
Cụ thể, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ sẽ trở lại theo sự phục hồi kinh tế. Cụ thể, hầu hết các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ có thời hạn một năm và không có điều khoản chia lãi tiết kiệm nên rủi ro bất cân xứng về lãi suất bằng không và theo đó, các doanh nghiệp phi nhân thọ không chịu sự chi phối của vấn đề lãi suất trong tăng trưởng doanh thu.
Ngược lại, đối với bảo hiểm nhân thọ, môi trường lãi suất thấp kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp nhân thọ khó khăn trong việc bán các sản phẩm có tính chất tiết kiệm (như bảo hiểm hỗn hợp) do phải hạn chế sự bất cân xứng giữa lãi đầu tư nhận được trong tương lai và lãi đã cam kết với khách hàng khi ký kết hợp đồng.
Đồng thời, VDSC cho rằng nỗ lực đẩy mạnh doanh số các sản phẩm liên kết đầu tư bù đắp cho các sản phẩm tiết kiệm có thể làm tăng chi phí bán hàng, giảm hiệu quả nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, trải nghiệm mất mát trong đại dịch lại nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo hiểm trong cuộc sống, tạo thêm động lực tăng trưởng cho ngành bảo hiểm, nhất là tại các khu vực mà mức độ bao phủ bảo hiểm còn thấp như Việt Nam.
• VietnamBiz