Fed mất chương trình cho vay khẩn cấp, nền kinh tế Mỹ mất phao cứu sinh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định dừng cấp vốn cho chương trình cứu trợ COVID-19 quan trọng của Fed. Nhà kinh tế Carl Weinberg ví hành động của ông Mnuchin như thể đang cướp phao cứu sinh khỏi nền kinh tế Mỹ đang bầm dập vì dịch bệnh.
Hôm 19/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố ông sẽ không gia hạn chương trình cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau ngày 31/12. Hiện tại, chương trình này đang sử dụng ngân sách từ đạo luật cứu trợ CARES của Quốc hội Mỹ.
Động thái của ông Mnuchin được dự đoán là sẽ làm giảm đáng kể khả năng củng cố hệ thống tài chính của Fed.
Thông báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cũng được đưa ra trong bối cảnh nhiều địa phương tại Mỹ đã phải áp dụng lại các biện pháp hạn chế để ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang trên đà bùng phát mạnh.
Theo phân tích của CNBC từ dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca xác nhận nhiễm mới hàng ngày tính theo trung bình 7 ngày vừa qua đạt 165.029 trường hợp, tăng 24% so với một tuần trước. California đã ban hành lệnh giới nghiêm sau 22h tại hầu hết các khu vực trong bang, trong khi thành phố New York tuyên bố đóng cửa trường học.
Chia sẻ với CNBC, ông Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn High Frequency Economics, nói rất khó để thấy quyết định của ông Mnuchin là “hợp lí về mặt kinh tế” khi mà hàng triệu người Mỹ vẫn đang nhận trợ cấp thất nghiệp, các chỉ số khu vực của Fed giảm dần và khả năng phong tỏa toàn quốc không còn xa.
“Bất luận nhìn từ góc độ kinh tế, y tế hay xã hội, tôi đều không nghĩ ông Mnuchin có lí do chính đáng để giải thích tại sao họ muốn dừng các chương trình cho vay tại thời điểm này. Cho nên, động thái của ông ta ắt hẳn phải liên quan đến chính trị”, nhà kinh tế Weinberg lập luận.
Fed và Phòng Thương mại Mỹ đã công khai phản đối quyết định của ông Mnuchin. Phòng Thương mại Mỹ cho rằng việc cô lập chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden là “quá sớm và không cần thiết”.
Khi được hỏi liệu không gia hạn chương trình cho vay khẩn cấp của Fed có hợp lí không khi chỉ 3% ngân sách có sẵn của Đạo luật CARES (trị giá 2.600 tỉ USD) đang được sử dụng, ông Weinber đã ví tình huống hiện tại như con tàu Titanic.
“Một trong các vấn đề của chúng ta là không có đủ phao cứu sinh trên tàu và khi tàu rời bến thì chúng ta không dùng chiếc nào, nhưng khi cần thì lại không có để dùng”, ông Weinberg nói.
“Chương trình cho vay khẩn cấp là phao cứu sinh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi họ không còn sức để trụ vững chứ không phải các ông lớn có thể ra thị trường vốn để tự xoay xở”, ông Weinberg nói tiếp.
Ông Mnuchin đã gia hạn ba chương trình không sử dụng ngân sách của Đạo luật CARES trong 90 ngày, đây là các công cụ hỗ trợ cho thị trường thương phiếu và tiền tệ.
Một số nguồn tin thân cận của CNBC cho biết ông Mnuchin hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính mới dưới thời chính quyền ông Biden có thể khôi phục lại các chương trình cho vay khẩn cấp bằng cách thiết lập một thỏa thuận mới với Fed.
Ông Weinberg cũng cảnh báo rằng dù thị trường đang lạc quan vì hi vọng có vắc xin và sự phục hồi của nền kinh tế về sau, “rủi ro khủng hoảng tài chính đang rình rập” nền kinh tế Mỹ.
“Cuối tháng 12, người dân Mỹ sẽ phải rời khỏi nơi ở khi không còn được bảo vệ, mất trợ cấp thu nhập, không còn được hoãn thanh toán nợ sinh viên. Khi chìm trong các hỗ trợ tài chính như thế này, chúng ta sớm muộn cũng sẽ gặp thất bại. Tương tự năm 2008, thất bại đó có thể gây rắc rối cho lĩnh vực tài chính”, ông Weinberg nhấn mạnh.
Cũng theo nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics, cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn còn trong “những ngày đầu”.
• VietnamBiz