Fed sẽ không điều chỉnh chính sách tiền tệ cho dù nền kinh tế Mỹ khởi sắc

Tuần tới, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ vẽ ra một bức tranh tươi sáng hơn về nền kinh tế lớn nhất thế giới, song sẽ không phát tín hiệu thay đổi chính sách tiền tệ trong tương lai gần.

Theo CNBC, nhà đầu tư đang ngày càng tin tưởng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi các quan chức Fed khẳng định ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ tốt nhất trong gần 40 năm, ngân hàng trung ương này cũng sẽ không điều chỉnh chính sách tiền tệ cho đến khi sự phục hồi trở nên vững chắc hơn.

“Triển vọng kinh tế Mỹ đang khá ổn định vì Fed vẫn giữ vững lập trường chính sách của họ. Thị trường tài chính cuối cùng cũng phải chấp nhận quan điểm của Fed”, ông Randy Frederick – Phó Chủ tịch cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab cho hay.

Fed đã duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn gần mức 0 kể từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay và tiếp tục mua ít nhất 120 tỷ USD tài sản liên quan đến trái phiếu mỗi tháng. Các chương trình thu mua tài sản này đã đẩy bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ lên gần 8.000 tỷ USD, gần gấp đôi con số kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế bùng nổ.

“Fed cung cấp thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ phục hồi. Thách thức bây giờ là khi nào họ thu hồi các biện pháp chính sách tiền tệ hiện tại”, ông Frederick tự hỏi.

Dự đoán lộ trình chính sách tiền tệ

Manh mối về thời điểm Fed điều chỉnh chính sách khó có thể được công bố trong cuộc họp tuần tới của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), CNBC dự đoán.

Thay vào đó, công chúng có thể nhận được một tuyên bố lạc quan hơn về triển vọng kinh tế từ Fed. Thậm chí, đây có thể là thông tin “tích cực nhất mà Fed đưa ra trong thời gian qua”, nhà kinh tế cấp cao Andrew Hunter của Capital Economics nhận định.

Tương tự nhiều nhà phân tích khác trên Phố Wall, ông Hunter cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng sự sẽ bình luận tươi sáng hơn về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, nhưng khả năng cao là họ vẫn sẽ nhấn mạnh rằng nền kinh tế chưa đạt được “tiến bộ lớn” theo các tiêu chuẩn mà FOMC thiết lập trong các tuyên bố chính sách trước.

Fed chưa thể phát tín hiệu điều chỉnh chính sách tiền tệ dù nền kinh tế Mỹ khởi sắc  - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: AP).

Đầu tháng 4, ông Powell đã khiến thị trường tài chính chú ý. Trên chương trình “60 Minutes” của đài CBS, Chủ tịch Fed cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt đến một “điểm bước ngoặt” trong quá trình phục hồi. Tuy nhiên, ông Powell lưu ý rằng thị trường lao động hiện chưa đủ khởi sắc để đạt đến mức độ toàn dụng việc làm như trước đại dịch COVID-19.

Do đó, vào tuần tới, Chủ tịch Powell nhiều khả năng sẽ cố tỏ ra điềm tĩnh hơn về các chính sách tiền tệ trong tương lai, đặc biệt là về khả năng tăng lãi suất và giảm tốc độ mua tài sản.

Nhìn chung, Phố Wall gần như đồng tình rằng ông Powell có thể sẽ bắt đầu nói về khả năng siết chặt chính sách tiền tệ vào mùa hè năm nay, trong đó tốc độ thu mua tài sản sẽ giảm nhẹ vào cuối năm 2021.

Ông Tom Graff, trưởng bộ phận thu nhập cố định tại công ty đầu tư Brown Advisory, nhận xét: “Có lẽ Fed sẽ muốn siết chặt chính sách tiền tệ từ từ trước khi tăng lãi suất cũng như để tạo ra thêm dư địa cho dễ bề kiểm soát chính sách”.

Chuyên gia kinh tế David Mericle của Goldman Sachs dự đoán, Fed sẽ phát tín hiệu thu hồi một số biện pháp chính sách đâu đó vào nửa cuối năm nay và sẽ tăng tốc vào đầu năm 2022. Theo nhà phân tích này, ở mỗi cuộc họp sắp tới, Fed sẽ bắt đầu giảm thu mua tài sản khoảng 15 tỷ USD. CNBC cho biết ngân hàng trung ương Mỹ họp 8 lần mỗi năm.

Nhà kinh tế Andrew Hollenhorst của Citigroup lại dự đoán, nếu Fed quyết định phát tín hiệu siết chặt chính sách tiền tệ trong năm nay thì họ có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất sớm nhất là vào cuối năm 2022.

“Tại cuộc họp của FOMC vào tuần tới, chúng tôi dự kiến Fed sẽ đưa ra một số điều chỉnh trong tuyên bố chính sách để chỉ rõ dữ liệu kinh tế đang tốt lên, nhưng chắc chắn sẽ không có hướng dẫn chính thức mới về việc siết chặt chính sách tiền tệ”, ông Hollenhorst nói thêm.

• VietnamBiz