Gần tỷ USD trái phiếu đổ về các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Thuận
Bên cạnh trái phiếu dự án điện mặt trời, trái phiếu bất động sản vẫn là khẩu vị ưa thích của nhiều nhà đầu tư trong năm qua.
Theo báo cáo từ SSI, chịu tác động từ Nghị định 81, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm tốc khá mạnh trong quý cuối cùng năm 2020. Trong kỳ, doanh nghiệp đã phát hành 81.500 tỷ đồng trái phiếu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và giảm 59% so với quý III/2020.
Nếu trừ đi trái phiếu do các ngân hàng và công ty chứng khoán phát hành, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý IV/2020 chỉ là 45.000 tỷ đồng, giảm 37% so với quý IV/2019.
Luỹ kế năm 2020, các doanh nghiệp đã phát hành 455.000 tỷ đồng trái phiếu, tăng 48,4% so với lượng phát hành năm 2019. Trong đó, lượng trái phiếu phát hành ra công chúng là 23.500 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng lượng phát hành, còn lại 94,8% là phát hành riêng lẻ.
Đến nay, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành ước đạt 960.000 tỷ đồng, tăng 39,7% so với cuối năm 2019. Chứng khoán SSI nhận định, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng liên tục trong những năm gần đây, chiếm khoảng 12% GDP của Việt Nam.
Trái phiếu năng lượng thăng hoa
Nếu như trong năm 2020, nhóm trái phiếu bất động sản và ngân hàng thương mại như thường lệ chia nhau vị trí thứ nhất, thứ hai trên thị trường thì nhân tố gây bất ngờ lại là nhóm trái phiếu doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản.
Năm qua, nhóm trái phiếu năng lượng và khoáng sản gia tăng mạnh lượng phát hành, tổng cộng đã phát hành 40.600 tỷ đồng trong năm, cao gấp 3 lần lượng phát hành năm 2019 giúp cho tỷ trọng trong tổng phát hành toàn thị trường của nhóm này tăng mạnh từ 4,3% (2019) lên 9% (2020).
Trong đó, các doanh nghiệp khoáng sản chỉ phát hành 4.900 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12%, tăng 57,3% so với 2019. Phần lớn còn lại là trái phiếu do các doanh nghiệp năng lượng phát hành, quy mô 35.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 88% và tăng 274% so với 2019.
Theo thống kê của SSI, trong hai năm 2019 và 2020, có gần 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu được huy động cho các dự án điện mặt trời tại khu vực Ninh Thuận; 8.900 tỷ đồng cho các dự án tại Đăk Lăk; 5.700 tỷ đồng cho các dự án tại Bình Thuận. Đây là 3 khu vực huy động vốn trái phiếu cho các dự án điện mặt trời lớn nhất, ngoài ra còn có Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Long An, Hậu Giang, Quảng Trị.
Theo EVN, sản lượng điện mặt trời trên toàn quốc năm 2020 là 10,6 tỷ KWh (trong đó điện mái nhà là 1,15 tỷ KWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.
Trong năm 2020, EVN đã phải cắt giảm 365 triệu KWh điện mặt trời do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.
Bên cạnh khó khăn do đường truyền tải, công suất điện mặt trời hiện vượt quá nhu cầu, đặc biệt vào buổi trưa khi bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày nhưng lại là thấp điểm về nhu cầu sử dụng điện. EVN dự kiến cắt giảm khoảng 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo trong năm 2021.
Tiền tiếp tục ồ ạt chảy vào trái phiếu bất động sản
Dù là nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi các quy định chặt chẽ về điều kiện phát hành tại Nghị định 81, song trái phiếu bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Trong năm 2020, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành tổng cộng 182.600 tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng phát hành toàn thị trường, tăng so với tỷ trọng 39,6% năm 2019 và là nhóm phát hành nhiều nhất trong 2 năm gần đây.
Theo dữ liệu mà SSI có được, 4 tháng cuối năm 2020, lượng trái phiếu bất động sản phát hành chỉ là 22.600 tỷ đồng, bằng 38% lượng phát hành của riêng tháng 8/2020 và bằng 12,4% lượng phát hành cả năm 2020. Mặc dù trước đó 4 tháng cuối năm 2019 là thời gian cao điểm phát hành trái phiếu bất động sản, chiếm 47% lượng trái phiếu phát hành cả năm 2019.
Nhận định về hiện tượng này, chuyên viên phân tích của SSI cho rằng “không quá bất ngờ”, bởi từ 1/9/2020 Nghị định 81 quy định các lô phát hành riêng lẽ phải cách nhau tối thiểu 6 tháng và tổng dư nợ phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu, các điều kiện về hồ sơ phát hành cũng chặt chẽ hơn.
Kỳ hạn bình quân năm 2020 của trái phiếu bất động sản là 3,95 năm, tăng so với 9,91 năm trong năm 2019. Trong đó, một số lô có kỳ hạn phát hành hạn dài là: CTCP TM-QC-XD- Địa ốc Việt Hân (6.000 tỷ đồng, 7 năm); CTCP Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH (3.000 tỷ đồng, 7 năm); CTCP Tổng hợp Thế giới Xanh (1.750 tỷ đồng, 6 năm); CTCP BĐS HANO-VID (8.655 tỷ đồng; 5,7 năm)…
Trong năm 2020, có 35.700 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành mới không có tài sản đảm bảo, chiếm 19,6% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành. Trong đó, các tổ chức phát hành nhiều nhất là CTCP Bất động sản HANO-VID; CTCP Bất động sản Mỹ; CTCP Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng Địa ốc Việt Hân; TNR Holdings…
Năm 2020, toàn thị trường có gần 37.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành được đảm bảo bằng cổ phiếu thì riêng nhóm bất động sản có 27.100 tỷ đồng, chiếm 73,2%. Như vậy, tổng lượng trái phiếu bất động sản không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu phát hành năm 2020 là gần 63.000 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2021 giảm sức nóng?
Chứng khoán SSI đưa ra dự đoán rằng bước sang năm 2021, sức mua của các nhà đầu tư và đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm bớt do không ít nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp, chỉ từ 4,5%-5,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng, dự kiến vẫn tiếp tục duy trì ít nhất là trong nửa đầu năm 2021 thì theo SSI, trái phiếu doanh nghiệp, đang mang lại tỷ suất sinh lời cao hơn từ 2-5%/năm so với tiền gửi, nên sẽ vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Mặt khác, theo nhà phân tích đến từ SSI, bằng việc siết chặt điều kiện nhà đầu tư mua trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ là động lực khiến các doanh nghiệp chuyển sang hình thức phát hành ra công chúng để tiếp cận được nguồn tiền đầu tư từ các cá nhân nhỏ lẻ. Tỷ trọng phát hành ra công chúng có thể tăng so với mức chỉ 5,2% của năm 2020.
Phát hành riêng lẻ sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn. Chưa tính đến yêu cầu tổ chức phát hành hoặc trái phiếu chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm sẽ có hiệu lực sau 2 năm nữa, các điều kiện phát hành ra công chúng khác cũng khắt khe hơn nhiều so với phát hành riêng lẻ. Bởi vậy, những doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ vẫn phải tìm đến kênh phát hành riêng lẻ.
Ngoài ra, các yêu cầu về công bố thông tin và niêm yết trái phiếu khi phát hành ra công chúng cũng khiến nhiều doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp lớn ưa thích phát hành riêng lẻ hơn.
• VietnamBiz