Giá ether lần đầu tiên vượt mốc 4.000 USD
Ether đã lập kỷ lục mới vào tối 10/5 với lần đầu tiên vượt quá mốc 4.000 USD, nối dài chuỗi tăng giá ấn tượng của đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới.
Ether leo lên đỉnh cao nhất mọi thời đại là 4.196,63 USD vào tối 10/5, theo số liệu của Coin Metrics. Tổng vốn hóa của ether là 483,4 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với giá trị thị trường 1.090 tỷ USD của bitcoin.
Tuy từng bị che phủ bởi cái bóng của bitcoin, ether đã có đà tăng bùng nổ trong thời gian gần đây khi nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ các lựa chọn thay thế bitcoin. Tháng 4, bitcoin mất giá hơn 2%, trong khi đó ether nhảy vọt hơn 40%. Vốn hóa toàn bộ thị trường tiền mã hóa hiện nay vào khoảng 2.500 tỷ USD, theo Coin MarketCap.
Các nhà đầu tư chính thống và một số doanh nghiệp như Tesla đã đổ xô vào bitcoin hồi đầu năm nay. Nhiều người coi bitcoin là công cụ phòng ngừa lạm phát sáng giá trong bối cảnh các ngân hàng trung ương không ngừng in thêm tiền để hỗ trợ nền kinh tế “thấm đòn” vì đại dịch. Các ngân hàng Phố Wall lớn như Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng bắt đầu cung cấp sản phẩm tài chính gắn với bitcoin cho giới khách hàng giàu có.
Tuy nhiên, CNBC cho biết một số nhà đầu tư vẫn giữ cái nhìn nghi hoặc đối với cơn sốt tiền mã hóa. Ông Michael Hartnett, Giám đốc đầu tư tại Bank of America Securities, nói rằng sự tăng giá điên cuồng của bitcoin có vẻ là “bong bóng lớn nhất mọi thời đại”. Ông Stephen Isaacs, Chủ tịch Ủy ban đầu tư của Alvine Capital, nhận xét bitcoin “hoàn toàn không có chút giá trị nội tại nào”.
Ethereum và bitcoin
Mạng lưới Ethereum được thành lập vào năm 2013 bởi Vitalik Buterin với một nhóm lập trình viên, và cho phép mọi người xây dựng ứng dụng dựa trên nó. Ether là đồng tiền được tạo ra từ mạng lưới này.
Bitcoin và ether giống nhau ở điểm cả hai đều là tiền kỹ thuật số, nhưng chúng cũng có nhiều điểm khác biệt.
Bitcoin được những người ủng hộ coi là kho chứa giá trị tương tự như vàng. Trong khi đó, Ethereum nhắm đến việc trở thành nền móng cho một kiểu internet phi tập trung, không bị kiểm soát bởi bất kỳ cơ quan trung ương nào.
Ethereum tạo thành nền tảng cho “tài chính phi tập trung” – xu hướng ngày càng phổ biến trong thế giới tiền mã hóa. Mục tiêu của tài chính phi tập trung là tái tạo các sản phẩm tài chính truyền thống với công nghệ blockchain.
Ethereum cũng đang được hưởng lợi từ sự trỗi dậy của NTF, tài sản kỹ thuật số được thiết kế để thể hiện quyền sở hữu đối với những vật phẩm ảo độc đáo như tác phẩm nghệ thuật. Nhiều NTF như CryptoKitties và CryptoPunks chạy trên nền tảng Ethereum.
Tuy nhiên, sự bùng nổ trong các hoạt động ứng dụng đã gây ra tình trạng tắc nghẽn trên mạng lưới Ethereum. Hiện Ethereum đang trải qua đợt nâng cấp đầy tham vọng, nhắm mục tiêu rút ngắn thời gian giao dịch và giảm thiểu điện năng cần thiết để xử lý giao dịch.
Cả bitcoin lẫn Ethereum đều phải chứng chịu chỉ trích từ các nhà bảo vệ môi trường vì tác động của việc khai thác tiền mã hóa lên khí hậu.
• VietnamBiz