Hơn 400 tỷ đồng đã ‘bốc hơi’ khỏi các ngân hàng như thế nào?

Bằng các thủ đoạn tinh vi cùng các hành vi “giúp sức” của các nhân viên ngân hàng, bà Nguyễn Thị Hà Thành đã thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của ba ngân hàng NCB, VietABank và PVcomBank.

Theo báo Tiền phong, Viện KSND TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bà Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1977, Giám đốc Cty TNHH cơ điện, xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam) cùng 23 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Theo cáo trạng, bà Thành đã thực hiện giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền cùng với các hành vi “giúp sức” của một số cán bộ ngân hàng để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) và Ngân hàng  Đại Chúng (PVcomBank).

Cụ thể, do làm ăn kinh doanh bị thua lỗ dẫn đến mất khả năng thanh toán bà Thành đã phải đi vay lãi suất cao và lấy tiền người sau để trả lãi cho người trước. Bà Thành xây dựng cho mình hình ảnh là doanh nhân thành đạt, giàu có để tạo niềm tin cho các “đối tác” làm ăn.

Bà Thành đã tìm cách tiếp cận, dụ những người có tiền cùng đầu tư dự án xây dựng với điều kiện họ phải bỏ tiền ra chứng minh năng lực tài chính bằng cách gửi tiền vào ngân hàng với hình thức đồng sở hữu với mình. Sau đó, bà làm giả các loại giấy tờ và được sự giúp sức của nhân viên ngân hàng rút tiền ra sử dụng mà người đồng sở hữu không hề hay biết.

Thủ đoạn vay tiền tinh vi

Theo Zing News, cáo trạng nêu rõ tại ngân hàng NCB, giữa năm 2018, bà Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) 50 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho mình giữ. 

Sau đó, bà Thành cùng với ông Nguyễn Thanh Tùng lập khống hồ sơ vay vốn thế chấp bằng sổ tiết kiệm của ông Toàn. Lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng NCB, bà Thành và ông Tùng đã ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm vay 47,5 tỷ đồng của NCB. 

Bằng thủ đoạn tương tự, cũng trong năm 2018, bà Thành tiếp tục vay tiền ông Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức như sau: ông Toàn gửi 52 tỷ đồng vào PVcomBank (chia làm 3 sổ, 1 sổ giá trị 12 tỷ mang tên ông và 2 sổ giá trị 40 tỷ mang tên vợ) sau đó đưa sổ tiết kiệm cho bà Thành giữ và nhận lãi tiền mặt 4,2%/tháng, tương đương khoảng 50,4%/năm, Vietnamnet trích thông tin từ cáo trạng.

Bà Thành và đồng phạm đã làm giả hồ sơ thông qua pháp nhân các doanh nghiệp là Công ty Jeongho và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỷ đồng với tài sản thế chấp là 3 sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Toàn, bà Trang.

Vụ mất tiền tại ba ngân hàng: Hơn 400 tỷ đồng đã 'bốc hơi' khỏi các ngân hàng như thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan tố tụng xác định Nguyễn Thị Hà Thành câu kết với một số cán bộ VietABank chiếm đoạt tài sản của nhà băng này. (Ảnh: Zing News).

Tại Ngân hàng Việt Á, Zing News đưa tin cho biết bà Thành nhờ sự giúp sức của một số cán bộ ngân hàng đã giả mạo chữ ký của hàng loạt khách hàng gửi tiền chiếm đoạt hơn 270 tỷ đồng của VietABank và lừa 4 cá nhân khác khoảng 60 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, bà Thành không có tài sản đảm bảo nên không thể vay tiền người khác. Để có vốn đầu tư, bà đề nghị các nạn nhân cùng gom tiền gửi sổ tiết kiệm đồng sở hữu.

Quá trình làm thủ tục, Hà Thành nhờ Đặng Thị Quỳnh Hương, Trưởng phòng khách hàng cá nhân Phòng giao dịch Đông Đô, bảo lãnh để vay nóng một số khách hàng VIP của Ngân hàng Việt Á. Ngay khi hoàn tất gửi tiết kiệm, Thành cầm cố sổ để vay tiền ngân hàng để trả nợ và đầu tư.

Trong quá trình thực hiện, Chuyên viên quan hệ khách hàng Phòng khách hàng doanh nghiệp của VietABank là Nguyễn Thị Thu Hương đã phát hiện hành vi làm giả chữ ký nhưng không tố giác mà tiếp tục giới thiệu tới nhân viên của PVcomBank để bà Thành tiếp tục thực hiện các hành vi tiếp theo.

Việc thực hiện được các hành vi của bà Thành được tiếp sức bởi sự “bỏ qua” các qui trình nghiệp vụ của các nhân viên ngân hàng như không gặp trực tiếp khách hàng để lấy chữ ký, biết rõ chữ ký giả nhưng không tố giác,…

VietABank tố giác ông Đặng Nghĩa Toàn biết rõ hành vi lừa đảo của bà Thành

Báo Vietnamnet dẫn cáo trạng cho biết VietABank đã có đơn tố giác ông Đặng Nghĩa Toàn và một số khách hàng biết rõ bà Nguyễn Thị Hà Thành sử dụng sổ tiết kiệm của mình thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát cho rằng tài liệu điều tra không đủ căn cứ kết luận việc ông Toàn đồng phạm với bà Thành cầm cố sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tiền của VietABank cũng như các ngân hàng khác. 

Kết luận điều tra đủ căn cứ kết luận vợ chồng ông Toàn cho Thành vay tiền với lãi suất 4,2%/tháng, song cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Toàn về hành vi cho vay nặng lãi.

Theo báo Tiền phong, cuối năm 2018, ông Đặng Nghĩa Toàn phát hiện tiền trong sổ tiết kiệm của mình bị “bốc hơi” nên đã cùng ngân hàng trình báo cơ quan công an. 

Ông Toàn cho biết ngay từ trong giai đoạn điều tra, khi cơ quan công an xác định chữ ký của ông Toàn bị làm giả, vợ chồng ông đã nhiều lần làm việc với các ngân hàng đề nghị được rút khoản tiền tiết đã gửi tiết kiệm song suốt hai năm qua đều bị các ngân hàng thoái thác với lý do chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra. 

Liên quan đến vấn đề này, PVcomBank đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định ba sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn mở tại PVcomBank đang là vật chứng của vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành cùng đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…”. 

Đến thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc và chưa có quyết định cuối cùng, thông cáo của ngân hàng ghi.

• VietnamBiz