Hơn 560 triệu cổ phiếu Sacombank được giao dịch từ đầu năm, ai đã bán ra?
Báo cáo tài chính quý IV/2020 cho thấy Kienlongbank đang xử lý các khoản nợ được thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank. Trong khi Eximbank cũng muốn thanh lý 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay.
Trong tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu STB của Sacombank là tâm điểm của thị trường với khối lượng giao dịch đạt gần 206 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch gần 4.100 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản theo tuần lớn nhất của STB kể từ khi cổ phiếu này được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) vào năm 2006.
Trong số cổ phiếu STB trên, hơn 99%, tương đương gần 204 triệu đơn vị được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn với giá trị đạt gần 4.060 tỷ đồng.
Đóng góp chính vào sự bùng nổ thanh khoản của STB đến từ phiên giao dịch 18/1 với hơn 60,6 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, mức thanh khoản kỷ lục trong gần 15 năm lên sàn của cổ phiếu này từ tháng 7/2006.
Kỷ lục cũ về thanh khoản của cổ phiếu Sacombank trước đó vừa được xác lập ngay trong phiên liền trước 15/1 với hơn 51,7 triệu đơn vị.
Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, đã có tổng cộng 561,5 triệu cổ phiếu STB được giao dịch, tương hơn 31% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh chiếm hơn 97%, đạt 546 triệu đơn vị.
Mặc dù điều này chưa đủ để khẳng định hơn 1/3 cổ phiếu STB tự do chuyển nhượng đã đổi chủ nhưng nó cho thấy sự biến động về cơ cấu cổ đông Sacombank trong những ngày đầu năm 2021.
Theo công bố thông tin từ HOSE, chưa có bất kỳ tổ chức hay cá nhân liên quan Sacombank báo cáo giao dịch khối lượng lớn cố phiếu STB. Do vậy, nghi vấn đổ dồn về phía Kienlongbank và Eximbank, hai ngân hàng đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu STB dưới dạng tài sản đảm bảo. Trước đó, hai ngân hàng này đều có ý định bán số cổ phiếu thế chấp trên để xử lý nợ xấu.
Trong khi đó, số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2020 của Kienlongbank lại hé lộ một số cơ sở củng cố quan điểm nhà băng này đã bán ra cố phiếu Sacombank.
Cụ thể, Kienlongbank thoát lỗ trong quý IV/2020 nhờ hoàn nhập 85,6 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro.
Ngân hàng không thuyết minh về khoản bồi hoàn này trong báo cáo tài chính tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng Kielongbank đã tăng mạnh, gấp gần 2 lần so với cùng kì 2019 do phải trích lập cho khoản nợ có khả năng mất vốn của một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank theo quyết định chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, đến cuối năm 2020, dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng trên đã giảm gần 354 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý III/2020.
Như vậy, không loại trừ khả năng Kienlongbank đã xử lý xong một phần khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank nên ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng và giảm 354 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn trong quý IV; đồng thời tiếp tục bán ra trong những ngày đầu năm 2021.
Trước đó, Kienlongbank đã bốn lần tổ chức bán đấu giá số cổ phần STB nói trên nhưng đều không thành công. Lần gần nhất, Kienlongbank rao bán với giá khởi điểm ở mức 17.496 đồng/cp, giảm 27% so với đợt 1 (24.000 đồng/cp).
Phía Kienlongbank cũng cho biết, ngân hàng đã nhận được đầy đủ hợp đồng ủy quyền có công chứng từ các khách hàng vay và chủ sở hữu tài sản về việc đồng ý cho Kienlongbank thực hiện chào bán tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank để thu hồi nợ. Đây cũng sẽ là một khoản thu nhập sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020.
Trước nghi vấn trên, chúng tôi đã liên hệ với trưởng đơn vị xử lý khoản nợ trên của Kienlongbank nhưng vị này từ chối cung cấp thông tin qua điện thoại.
Không chỉ Kienlongbank, hoạt động kinh doanh của Eximbank cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi khoản nợ khó đòi thế chấp bằng cổ phiếu STB.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng tương đương với cùng kì 2019 dù lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 14%. Lợi nhuận của Eximbank đi ngang do chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 170%, lên 267 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Eximbank, chi phí dự phòng tăng do ngân hàng phải đẩy mạnh trích lập cụ thể cho khoản nợ xấu được khách hàng thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank.
Đến hết quí III, tổng nợ xấu nội bảng của Eximbank ở mức gần 2.500 tỷ đồng, tăng 29%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 815 tỷ đồng lên hơn 1.620 tỷ đồng, tương ứng tăng 99%.
Eximbank không thuyết minh về nguyên nhân nợ xấu tăng mạnh nhưng theo báo cáo của Ban kiểm soát Eximbank chuẩn bị cho Đại hội cổ đông 2020, khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu STB cũng khiến hai chỉ tiêu an toàn hoạt động của ngân hàng không đạt yêu cầu của NHNN.
Theo đó, tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6,04%, cao hơn so với mức qui định tối đa theo Thông tư 36/2014 là 5%, chủ yếu là 7 khách hàng quá hạn thế chấp cổ phiếu STB vay mua cổ phiếu EIB, với tổng dư nợ là 746 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 2/10/2019, NHNN đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lí tài sản đảm bảo là hơn 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo quy định.
• VietnamBiz