Lãi suất cho vay tại Việt Nam khó giảm?

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, có nhiều lý do khiến lãi suất ngân hàng tại Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và Ngân hàng Nhà nước cần hết sức cân nhắc trong việc có nên giảm lãi suất khi áp lực lạm phát trong năm 2021 là khá cao.

Vì sao lãi suất cho vay ở mức cao?

Nhận định tại “Diễn đàn Phát triển Thị trường vốn: Cơ hội trong kỷ nguyên mới”, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn đang khá cao, dao động 7,8 – 8%. 

Ông nhận định mức lãi suất này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi các nước “láng giềng” như Trung Quốc, Thái Lan có lãi suất thấp hơn. Do đó, ông cho rằng giảm lãi suất là một nhu cầu cần thiết hiện nay.

Trái ngược với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nói: “Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất ngân hàng ở Việt Nam tương đối cao nhưng theo tôi nếu so sánh thì phải so sánh lãi suất cho vay thực, sau khi đã cấn trừ đi lạm phát. 

Lãi suất cho vay tại Việt Nam khó giảm? - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực. (Ảnh: BizLIVE).

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, vị chuyên gia này chỉ ra 4 lý do khiến lãi suất tại Việt Nam thường cao hơn các nước khác.

Cụ thể, ông Lực cho biết lạm phát ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước khác. Trong khi mức lạm phát tại Trung Quốc là 2%; Philippine, Indonesia là 2,5%; cả thế giới là 2% thì lạm phát của Việt Nam ở mức 3 – 3,5% và mục tiêu dưới ngưỡng 4%. 

Thứ hai, Việt Nam có rủi ro nền kinh tế ở mức cao với xếp hạng BB, kém xa một số nước trong khu vực như Indonesia là BBB, và Trung Quốc là BBB+. “Khi rủi ro cao, lãi suất đương nhiên phải cao”, ông Lực nhấn mạnh. 

Khi rủi ro cao, lãi suất đương nhiên phải cao.

TS. Cấn Văn Lực

Lý do thứ ba ông đưa ra là người dân luôn kỳ vọng lãi suất dương so với mức lạm phát. Cuối cùng, theo ông Lực, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng Việt Nam khoảng 2,6%, là mức trung bình so với các nước như Trung quốc 2,9%, Indonesia là 3,3%, Philipine 3% hay Myanmar đạt tới 8%. 

“Công bằng mà nói, chênh lệch đầu vào – đầu ra lãi suất của ngân hàng Việt Nam chỉ mức trung bình, không phải là cao”, ông chia sẻ.

Có nên tiếp tục giảm lãi suất?

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần hết sức cân nhắc trong việc có nên giảm lãi suất nữa hay không bởi vì điểm nghẽn tín dụng hiện nay không phải nằm ở lãi suất. Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn ở mức 13 – 14% trong thời gian qua. 

“Lãi suất hiện nay là tương đối thấp. Nếu tiếp tục hạ lãi suất, dòng tiền sẽ di chuyển giữa các kênh đầu tư tạo rủi ro, khả năng lạm phát bùng phát trở lại”, ông đánh giá.

Ông nhấn mạnh áp lực lạm phát của năm nay là rất lớn khi giá dầu dự báo tăng 30%, một số sự kiện như kênh đào Suez tắc nghẽn vừa qua làm giá dầu tăng.

Tại họp báo chính phủ thường kỳ tháng 3 mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết so với mặt bằng đầu năm 2015 – 2016, lãi suất huy động giảm 2,3%, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 3,6% so với giai đoạn trước đây. Đến nay, lãi suất cho vay tối đa cho các đối tượng ưu tiên ở mức 4,5%, giảm khoảng 2,5% đối với các đối tượng ưu tiên này nếu so với năm 2016.

Ngoài ra, tất cả các mức lãi suất của Việt Nam hiện nay, lãi suất cho vay bình quân thấp hơn mức lãi suất bình quân của ASEAN +4, đây là một trong những chỉ số rất tích cực thời gian vừa qua.

Thời điểm hết tháng 3/2021, mức lạm phát và chỉ số CPI tăng thấp, tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn đang có những dấu hiệu tích cực, dư nợ tín dụng đang có chiều hướng tích cực với mức tăng 2,04% (cùng kỳ năm ngoái là 1,3%).

Chính vì thế, theo ông việc điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới vẫn trên quan điểm trước hết là tạo sự ổn định, hiện nay đang ổn định và duy trì sự ổn định này đối với cả lãi suất huy động và cho vay.

Nếu như những chỉ số đó tích cực thì NHNN sẽ tiếp tục giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Mặt khác vẫn yêu cầu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung hạn chế, giảm bớt những chi phí tạo điều kiện giảm tiếp lãi suất cho doanh nghiệp và người dân trong cả năm 2021, trước mắt là những tháng đầu năm.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Trong báo cáo phân tích mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I, đầu quý II và có thể nhích tăng từ cuối quý sau khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới. 

Mặc dù trong hai tháng đầu năm, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào nhưng trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 sắp được triển khai và lạm phát tăng trở lại có thể khiến lãi suất quay đầu tăng trong thời gian tới.

• VietnamBiz