Lãi suất huy động đã chạm đáy?

Lãi suất huy động tại các ngân hàng tăng, giảm trái chiều trong đầu tháng 3. Diễn biến này đặt ra câu hỏi liệu lãi suất huy động đã chạm đáy?

Lãi suất huy động đã chạm đáy? - Ảnh 1.

Bảng lãi suất ngân hàng. (Ảnh: Lê Huy).

Lãi suất tiền gửi biến động trái chiều

Sau một thời gian dài duy trì ở mức thấp, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tiền gửi từ đầu tháng 3.

Tại VPBank, lãi suất tiền gửi thông thường dành cho khách hàng cá nhân tăng 0,05 – 0,2 điểm % so với tháng trước ở nhiều kỳ hạn.

Trong đó, với các khách hàng gửi tiết kiệm dưới 300 triệu đồng, lãi suất áp dụng tại kỳ hạn 2 – 5 tháng đồng loạt tăng 0,2 điểm % so với tháng trước.

Lãi suất huy động áp dụng cho số tiền gửi từ 3 tỷ đồng trở lên tăng 0,15 điểm % tại kỳ hạn 2 tháng và tăng 0,1 điểm % tại kỳ hạn 3 – 5 tháng.

Hay với khung tiền gửi lớn nhất từ 50 tỷ đồng trở lên, lãi suất kỳ hạn 2 – 5 tháng tăng 0,05 – 0,2 điểm %.

Tại ACB, lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng được điều chỉnh tăng đồng loạt 0,1 điểm % đối với tất cả các khoản tiền gửi so với hồi đầu tháng 2.

Ngược lại, cũng không ít nhà băng tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 3.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm tại MSB được điều chỉnh giảm so với mức khảo sát đầu tháng trước ở hầu hết kỳ hạn gửi. 

Theo đó, tất cả các khoản tiết kiệm kỳ hạn 1 và 2 tháng được huy động với cùng lãi suất 3%/năm, tức giảm 0,5 điểm %. Trường hợp khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 3 tháng đến 5 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 3,5%/năm, tương ứng giảm 0,3 điểm %.

Tại kỳ hạn 6 từ 11 tháng, MSB điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,2 điểm % xuống còn 5 – 5,3%/năm. Trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn 12 tháng – 36 tháng được niêm yết ở mức 5,6%/năm, tương ứng mỗi kỳ hạn giảm 0,3 điểm %.

Tại TPBank, tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được huy động với lãi suất 3,5%/năm, giảm 0,05 điểm % so với tháng trước.

Ngân hàng cùng giảm 0,2 điểm % đối với lãi suất huy động kỳ hạn 9 tháng và 364 ngày, giảm 0,3 điểm % tại kỳ hạn 18 tháng và 36 tháng

Tại nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động không có sự thay đổi so với tháng 2.

Lãi suất đã chạm đáy?

Trước động thái tăng/giảm lãi suất của các ngân hàng thời gian gần đây, trong báo cáo mới công bố, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng việc điều chỉnh này chỉ áp dụng với nhóm khách hàng cá nhân và mang tính chất cục bộ. 

Bên cạnh đó, nhóm phân tích nhận định trong ngắn hạn, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn giữ ở mức thấp.

Lãi suất huy động đã chạm đáy? - Ảnh 2.

Theo quan điểm của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất vẫn còn dư địa giảm ở thời điểm hiện tại.

VCBS cho rằng áp lực lãi suất huy động tăng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn khi đây là giai đoạn chuyển tiếp đối với phương thức giao dịch ngoại tệ là giao dịch kỳ hạn 6 tháng áp dụng đầu năm nay. 

Điều này khiến cho các ngân hàng phải chuẩn bị và tính toán một cách kỹ càng và hợp lý nguồn lực.

Trong khi đó, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ có diễn biến tăng trở lại trong thời gian tới.

Tại báo cáo thị trường tiền tệ công bố đầu tháng 3, BVSC chỉ ra rằng trong 2 tháng đầu năm, các dự án vẫn chưa được triển khai trên diện rộng, do đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì ở trạng thái dồi dào.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát và việc tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 chuẩn bị được triển khai; đồng thời, lạm phát tăng đang trở lại (chỉ số tiêu dùng CPI tháng 2 tăng 1,52% so với tháng trước – mức tăng tháng 2 cao nhất trong vòng 8 năm gần đây) có thể khiến lãi suất quay đầu tăng trong thời gian tới.

• VietnamBiz