MetaHub Finance có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, khả năng cao là Ponzi

Gần đây trên mạng xã hội và Telegram đã xuất hiện một dự án blockchain mang tên MetaHub Finance, đang huy động vốn qua hình thức token có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam.

MetaHub Finance đã tổ chức nhiều hội thảo và tọa đàm tại Việt Nam, với sự tham gia chủ yếu của người Việt. Dự án này tự giới thiệu là sản phẩm của Công ty Auralink Labs Pte. Ltd (số UEA 202332656D), có trụ sở tại 33A Pagoda, Singapore, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ blockchain và AI. Mục tiêu của dự án là xây dựng một nền tảng tiếp thị liên kết (affiliate), cho phép các thành viên hoàn thành nhiệm vụ để nhận phần thưởng từ các đối tác quảng cáo.

MetaHub Finance tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm tại Việt Nam.

Dự án hoạt động bằng cách thu hút các nhà quảng cáo vào hệ thống tiêu dùng liên kết phi tập trung (DAC). Người dùng có thể nhận đồng MEN (token của dự án) khi thực hiện các nhiệm vụ như xem quảng cáo. MetaHub Finance còn cung cấp các sản phẩm như hệ thống định danh MetaID, giải pháp chống bot và gian lận (BMAS), cùng với các hoạt động đầu tư thông qua NFT và đồng tiền ảo MEN.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là MetaHub Finance tổ chức nhiều hội thảo và tọa đàm tại Việt Nam, quảng cáo lợi nhuận lên tới 200%/năm và thường thu hút những người cao tuổi. Dự án cũng đã quảng bá trên các cơ quan truyền thông và chạy quảng cáo trên mạng xã hội, đồng thời tạo niềm tin bằng cách liên kết với các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Google và Amazon Web Services.

Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Dự án ChainTracer thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), đã cho biết qua quá trình kiểm tra và phân tích, VBA nhận thấy dự án MetaHub Finance có dấu hiệu nghi ngờ về việc huy động vốn đa cấp qua việc bán tiền ảo/NFT.

Cụ thể, MetaHub Finance tập trung vào việc kêu gọi đầu tư từ các thành viên mới thay vì phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ. Nhà đầu tư phải mua các vị trí NFT với giá tối thiểu 100 USDT, sau đó chuyển đổi thành MEN để staking với lời hứa hẹn lợi nhuận lên tới 200%/năm bằng MEN. Việc sử dụng USDT để mua và MEN để thưởng có thể gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư.

Dự án hứa hẹn nhiều cách kiếm lời từ việc xem quảng cáo và tích MEN, nhưng thực tế nguồn thu chủ yếu từ việc tuyển dụng thành viên mới qua hệ thống tiếp thị đa cấp (MLM). Cấu trúc đa cấp kéo dài tới 20 cấp, trong đó tổng hoa hồng có thể lên tới 100% từ MEN của các cấp dưới. Mô hình này cho thấy thu nhập của các cấp trên phụ thuộc vào việc tuyển dụng mới, thay vì chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Ông Dinh cũng lưu ý rằng các mô hình đa cấp có hơn 5 cấp thường tiềm ẩn rủi ro, và trên 7 cấp có thể là dấu hiệu của lừa đảo Ponzi.

Rất nhiều người cao tuổi tham gia các toạ đàm kêu gọi đầu tư của MetaHub.

VBA đã chỉ ra các rủi ro tiềm ẩn khi tham gia MetaHub Finance, bao gồm:

  1. Rủi ro từ hệ thống đa cấp: Để tham gia, người dùng thường phải mua NFT-Pass với giá ít nhất 100 USD. Thành viên tuyến trên sẽ nhận hoa hồng từ việc bán NFT này cho thành viên mới. Nếu không có đủ người mới, hệ thống có thể sụp đổ.
  2. Rủi ro từ đồng tiền ảo MEN: Giá trị MEN có thể sụp đổ nếu cung vượt cầu. Thanh khoản của MEN hiện thấp, chỉ được giao dịch trên một sàn duy nhất là Uniswap với bể thanh khoản khoảng 300.000 USD.
  3. Rủi ro pháp lý: Dự án tuyên bố có trụ sở tại Singapore, nhưng địa chỉ này có tới 107 công ty đăng ký, cho thấy đây chỉ là địa chỉ nhận thư tín. Mã ngành đăng ký của công ty không phù hợp với hoạt động quảng bá. Việc huy động vốn qua token có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và không được pháp luật bảo hộ.

Dựa trên những thông tin trên, VBA khuyến cáo các nhà đầu tư tại Việt Nam nên thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia vào MetaHub Finance.

Tham gia Telegram: https://hoiquannet.com

Theo dõi Twitter (X): https://hoiquannet.com

Theo dõi Tiktok: https://www.tiktok.com/hqn

Nguồn: T/H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM