Ngân hàng tái cơ cấu nợ cho chính mình

Trong bối cảnh lãi suất phát hành trái phiếu giảm mạnh, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh thay thế các khoản nợ trái phiếu cũ bằng các khoản nợ mới nhằm giảm chi phí vốn.

Ngân hàng tái cơ cấu nợ cho chính mình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Đẩy mạnh mua lại trái phiếu cũ, phát hành trái phiếu mới

Tận dụng cơ hội thanh khoản dồi dào và mặt bằng lãi suất thấp, nhiều ngân hàng đã phát hành mới cũng như mua lại trước hạn hàng chục nghìn tỉ đồng trái phiếu.

Qui mô lớn nhất phải kể đến đợt mua lại gần 14.000 tỉ đồng trái phiếu trong tháng 11 và tháng 12/2020 của BIDV. Lượng trái phiếu trên chủ yếu được ngân hàng phát hành vào năm 2019 (gần 8.400 tỉ đồng), cùng với một lô 3.000 tỉ đồng phát hành năm 2018 và một lô 2.500 tỉ đồng phát hành năm 2015.

Trước đó, trong tháng 8, BIDV cũng hoàn tất mua lại 500 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 7 năm, phát hành vào năm 2018 và 3.500 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 10 năm, phát hành năm 2015 vào cuối tháng 7.

Động thái mua lại trước hạn một lượng lớn trái phiếu diễn ra khi BIDV cũng là ngân hàng phát hành nhiều trái phiếu nhất kể từ đầu năm đến nay.

Số liệu của Bộ phân phân tích Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, BIDV là tổ chức phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất trong 9 tháng đầu năm với 19.500 tỉ đồng, kì hạn bình quân 7,4 năm. Ngoài ra, ngân hàng cũng phát hành riêng lẻ thành công hàng trăm tỉ đồng trái phiếu dài hạn trong tháng 10 và tháng 11.

BIDV không phải là trường hợp duy nhất vừa đẩy mạnh phát hành vừa mua lại trước hạn trái phiếu.

Kể từ tháng 8 tới nay, HDBank hoàn tất mua lại trước hạn tổng cộng 2.900 tỉ đồng trái phiếu 3 năm và 10 năm, phát hành trong năm 2019 và 2015. Trong nửa đầu năm, HDBank cũng đã mua lại 2.300 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019 và 500 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2018.

Trước đó, Hội đồng quản trị ngân hàng này đã thông qua phương án mua lại 8.520 tỉ đồng trái phiếu trước hạn trong năm nay.

Đi cùng với hoạt động mua lại trước hạn, HDBank cũng phát hành gần 11.700 tỉ đồng trái phiếu với kì hạn bình quân 3,2 năm và lãi suất 6,2%/năm.

Vào tháng 6 và đầu tháng 7, VPBank cũng thông báo mua lại 2.000 tỉ đồng trái phiếu phát hành năm 2018 và 800 tỉ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2019. Ngân hàng cũng lên kế hoạch mua lại 300 triệu USD trái phiếu đã phát hành theo chương trình Euro Medium Term Note, niêm yết trái phiếu tại sở giao dịch chứng khoán nước ngoài. Thời gian thực hiện trong năm 2020 hoặc 2021 tuỳ điều kiện thị trường.

Trong khi đó, nhà băng này cũng là một trong những đơn vị phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất 3 quí đầu năm với qui mô lên tới 10.500 tỉ đồng.

LienVietPostBank cho biết sẽ mua lại 1.000 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 14/12/2020. Đây là lượng trái phiếu được ngân hàng phát hành vào năm 2015, có kì hạn 10 năm và đáo hạn vào năm 2025.

Trước đó, LienVietPostBank đã phát hành riêng lẻ thành công 3.100 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 10 năm theo hình thức phát hành riêng lẻ. Ngoài ra, ngân hàng cũng dự định chào bán 3 đợt trái phiếu 5 năm và 7 năm để huy động vốn. Đợt đầu tiên có qui mô 2.250 tỉ đồng sẽ được phát hành vào quí IV.

Trong 9 tháng đầu năm, VIB và OCB mua lại trước hạn 1.600 tỉ đồng trái phiếu và phát hành mới lần lượt 13.500 tỉ đồng và 5.100 tỉ đồng trái phiếu với kì hạn bình quân 3 năm và 3,2 năm.

Cơ cấu lại nợ để giảm chi phí vốn

Kể từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất phát hành trên thị trường trái phiếu liên tục sụt giảm. Theo SSI Research, lãi suất trái phiếu phát hành trong quí II/2020 là 8,89%/năm, giảm 1,51 điểm % so với quí trước dù kì hạn phát hành bình quân là 3,71 năm, cao hơn mức 3,64 năm của quí I/2020.  

Trong đó, trái phiếu các ngân hàng có lãi suất bình quân thấp hơn hẳn (chỉ 6,7%/năm) và sự gia tăng phát hành của nhóm này đã kéo lãi suất bình quân toàn thị trường trong quí II giảm mạnh so với quí I/2020.

Còn theo số liệu của MBS, trong 9 tháng đầu năm 2020, các ngân hàng đã huy động được 99.000 tỉ đồng trái phiếu với mức lãi suất bình quân đạt 6,6%/năm, giảm so với mức 6,71% của cùng kì 2019, trong khi kì hạn phát hành bình quân là 4,7 năm, cao hơn nhiều so với 3,57 năm của 9 tháng 2019.

Theo giới chuyên môn, trong bối cảnh lãi suất phát hành trái phiếu có xu hướng giảm mạnh, việc các ngân hàng thay thế nợ cũ bằng các khoản nợ mới với lãi suất thấp hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Trao đổi với người viết, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn của các ngân hàng là hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện tại, khi các ngân hàng đang dư thừa tiền và lãi suất đang có xu hướng giảm.

Trong bối cảnh dư thừa thanh khoản, không có lí do gì để các ngân hàng duy trì một lượng trái phiếu có chi phí vốn đắt đỏ. Do vậy, mua lại trái phiếu trước hạn là một động thái tích cực.

Chuyên gia Kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu

Nói về nguyên nhân đưa ra quyết định mua lại trước hạn hơn 8.500 tỉ đồng trái phiếu, HĐQT HDBank cho biết ngân hàng có nguồn vốn dồi dào với chi phí huy động thấp hơn nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu các năm trước.

Do vậy, việc chủ động mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành sẽ giúp HDBank cơ cấu lại nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm chi phí vốn.

Lí giải nguyên nhân mua lại 300 triệu USD trái phiếu quốc tế, VPBank cho biết do khủng hoảng toàn cầu liên quan đến dịch bệnh COVID-19, thị trường trái phiếu doanh nghiệp quốc tế bị bán tháo rất mạnh nên trái phiếu của VPBank đăng kí tại Singapore hiện đang giao dịch ở mức giá thấp hơn nhiều thời điểm phát hành.

Việc này có thể là điểm bất lợi cho VPBank trong việc huy động các nguồn vốn khác trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các khoản vay tài trợ từ các ngân hàng quốc tế với lãi suất thấp hơn nhiều.

Theo VPBank, việc mua lại trái phiếu quốc tế đã phát hành của ngân hàng sẽ nâng cao uy tín của ngân hàng trên thị trường Eurobond, chứng minh được tình hình thanh khoản của ngân hàng rất ổn định, nâng cao uy tín của VPBank trong và ngoài nước. Từ đó, tạo điều kiện để ngân hàng có thể phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế sau này khi cần thiết và khi thị trường quốc tế ổn định trở lại.

• VietnamBiz

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM