Ngoài tín dụng, đâu là động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng đầu năm 2021?

Nhu cầu tín dụng phục hồi mạnh trong năm 2021 sẽ là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố khác cần phải đánh giá kỹ lưỡng khi đánh giá hoạt động các ngân hàng.

VN-Index lưỡng lự bứt phá trước vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm, nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường vượt vũ môn nhờ sở hữu hai động lực quan trọng là mức định giá và kỳ vọng tăng trưởng ấn tượng.

Định giá PB (thị giá/giá trị sổ sách) của nhiều ngân hàng đang thấp hơn nhiều so với mức định giá vào quý I/2018 khi VN-Index đạt đỉnh. Cụ thể, tại quý I/2018 PB của Vietcombank, MB, ACB, Techcombank, VPBank lần lượt là 5.1x; 2.4x; 3.2x; 3.5x; 3.2x cao hơn so với mức tương ứng hiện tại là 3.5x; 1.5x; 2.0x; 2.0x; 2.1x.

Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ đợi mùa kết quả kinh doanh quý I/2021 bùng nổ của các ngân hàng niêm yết. Kể từ giữa tháng 3, VietinBank công bố lợi nhuận quý I/2021 tăng gần 100% trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư. 

Hay như tại MSB, một trong những ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông sớm nhất, lãnh đạo nhà băng này cũng tiết lộ con số lợi nhuận quý I ấn tượng 1.200 tỷ đồng tương đương 50% cả năm 2020 tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài các thông tin chính thức từ các ngân hàng, một số nguồn tin bên lề từ các bên thị trường cũng cho thấy xu hướng chung lợi nhuận ngành ngân hàng quý I này sẽ ấn tượng về con số tăng trưởng. Ấn tượng không chỉ đến từ nền so sánh thấp của cùng kỳ 2020, mà là sự vượt trội so với dự báo của các công ty chứng khoán.

Với hai động lực này, các cổ phiếu ngân hàng nhận được kỳ vọng lớn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, dưới góc độ đầu tư ngành ngân hàng, để tránh bị ru ngủ bởi các phân tích dập khuôn, nhà đầu tư vẫn cần những quan tâm đến các yếu tố đặc biệt ngành ngân hàng để có những đánh giá toàn diện hơn.

Tăng trưởng tín dụng năm 2021 liệu có thắt chặt?

Ngoài tăng trưởng tín dụng, đâu là động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng đầu năm 2021? - Ảnh 1.

Nguồn: Artinvestor.

Dù có hai động lực hỗ trợ mạnh mẽ nêu trên nhưng trung tuần tháng 3 vừa qua, thị trường đã có phản ứng ngược với cổ phiếu ngành ngân hàng khi lo lắng khả năng thắt chặt tín dụng.

Cụ thể, cùng thời gian nói trên ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng. Thực tế, đây là chính sách điều hành không mới, nhìn lại trong hai năm 2019-2020 để thấy rằng NHNN đã không cố định hạn mức tín dụng ngay đầu năm.

Nhiều ngân hàng sau đó đã được NHNN mở thêm hạn mức vào cuối năm như MB, Techcombank, VPBank, VIB, TPBank…Điều này tạo nên kết quả tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với hạn mức được giao ban đầu.

Trước những tác động khó lường của đại dịch COVID-19, năm 2021 NHNN tiếp tục cho thấy năng lực điều hành linh hoạt với tư duy đổi mới cao độ. Thể hiện ở ba kịch bản được lãnh đạo NHNN đề cập với truyền thông mới đây.

Cụ thể, ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch COVID-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%.

Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. 

Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 – 8%.

Với việc đưa ra từng kịch bản, cho từng điều kiện trọng yếu của bối cảnh vĩ mô không chỉ giúp nhà điều hành chủ động mà điều này cũng lan tỏa đến khả năng thích ứng từ các nhà băng. Hạn mức mới được công bố tương đương ở cận dưới của kịch bản 2 cho kỳ vọng tăng trưởng tín dụng 10,5% năm 2021 (tương đương hạn mức của Vietcombank), đây rõ ràng là kịch bản thận trọng.

Thực tế tăng trưởng tín dụng năm nay đã khởi sắc hơn nhiều so với cùng kỳ, báo cáo của tổng cục thống kê (GSO) tính đến thời điểm 19/3/2021, tăng trưởng tín dụng là 1,47% so với cùng kỳ năm 2020 tăng 0,68%. Diễn biến này là hoàn toàn phù hợp với tiến trình bình thường mới của nền kinh tế. Cho dù dịch COVID-19 vẫn âm ỉ tái bùng phát tuy nhiên không vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ.

Cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tham vọng được chính phủ đề ra, hạn mức tín dụng đầu năm sẽ khó thành cản trở với ngành ngân hàng. Thay vào đó, NHNN sẽ chú trọng nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng tín dụng và sự đồng đều trong ngành.

Những ngân hàng tăng trưởng tín dụng nóng vượt trội so với ngành nhiều khả năng sẽ được hãm phanh. Trong khi những nhà băng có hoạt động cho vay đi vào những nhu cầu kinh doanh, tiêu dùng, sản xuất sẽ là nhóm được ưu tiên cải thiện hạn mức tín dụng và cuối năm.

Ngoài tăng trưởng tín dụng, cần quan tâm thêm những điều gì?

Với những con số lợi nhuận tăng trưởng cao được kỳ vọng bao phủ gần như toàn bộ ngành không chỉ riêng quý I/2021. Nhà đầu tư cần tinh tế làm rõ đâu là động lực tăng trưởng kết quả kinh doanh của mỗi ngân hàng.

Đối với tăng trưởng từ lãi (NII – Net interest income), trong năm 2020 nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng chủ yếu tập trung ở quý III và IV, cá biệt những ngân hàng có 50% tăng trưởng tín dụng cả năm vào quý IV.

Điều này cho thấy tăng trưởng của hoạt động từ lãi có đóng góp không đáng kể trong tăng trưởng của tổng thu nhập (TOI) vào đầu năm. Trong mùa báo cáo KQKD đầu tiên của năm 2021, với diễn biến tín dụng đã khởi sắc đáng kể so với cùng kỳ nhiều khả năng tăng trưởng của NII sẽ có cải thiện đáng kể, đặc biệt ở nhóm các ngân hàng lớn như BID, VietinBank, MB, Techcombank.

Mức độ cải thiện phân cấp hơn khi các ngân hàng có những phân hóa về chi phí vốn, nhờ lợi thế nguồn vốn huy động giá rẻ (CASA). Trong năm 2020, xu hướng CASA toàn ngành tăng là một điểm sáng tích cực, nhưng sẽ khó có thể duy trì trong năm 2021 đồng thời sẽ có sự phân hóa như giai đoạn trước COVID-19.

Trong hai năm qua, Techcombank đã thực hiện hai lần đổi ngôi trở thành ngân hàng có hệ số CASA cao nhất sau khi vượt qua MB và ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất sau khi vượt qua Vietcombank. Tốc độ cải thiện CASA là động lực chính cải thiện biên lãi ròng (NIM) giúp Techcombank vươn mình trở thành Top 3 lợi nhuận toàn ngành trong năm 2020.

Ngoài tăng trưởng tín dụng, đâu là động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng đầu năm 2021? - Ảnh 2.

Nguồn: Artinvestor.

Quan sát tăng trưởng lợi nhuận năm 2020, thấy rằng nhiều ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận vượt xa với tăng trưởng tổng thu nhập (TOI), mà nguyên nhân chính đến từ việc giảm chi phí trích lập dự phòng nhờ tận dụng tối đa nội dung hỗ trợ của Thông tư 01.

Nhóm ngân hàng này hầu hết có chỉ số bao phủ nợ xấu thấp và có xu hướng suy giảm.

Trong năm 2021, các ngân hàng này vẫn tiếp tục tận dụng Thông tư 01 để duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận cao sẽ giống như việc tiếp tục đẩy “quả bom” dự phòng nguy hiểm về tương lai. Đây là hiện tượng mà nhà đầu tư cần phải hết sức cảnh giác trong bối cảnh diễn biến nền kinh tế vẫn đối mặt những khó khăn từ COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp chưa thể trở lại hoạt động như trước dịch.

Ngoài tăng trưởng tín dụng, đâu là động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng đầu năm 2021? - Ảnh 3.
Ngoài tăng trưởng tín dụng, đâu là động lực tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng đầu năm 2021? - Ảnh 4.

Nguồn: Artinvestor.

Ngoài các yếu tố nổi bật nêu trên, xu hướng chất lượng tài sản bao gồm tăng giảm nợ xấu, nợ nhóm 2, các khoản phải thu cũng sẽ là yếu tố tất yếu không thể bỏ qua với ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó là diễn biến của các hoạt động ngoài lãi, với thu nhập ngày càng có vai trò đóng góp lớn hơn trong tổng thu nhập. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần quan sát tính ổn định tỷ trọng của thu ngoài lãi.

Với các ngân hàng trong năm 2020 tận dụng biến động lợi suất trái phiếu phiếu chính phủ đã chủ động thực hiện giao dịch nhằm ghi nhận lợi nhuận đầu tư cao sẽ có nền so sánh thách thức trong năm 2021. Trong khi nguồn thu từ phí, dịch vụ ngày càng cạnh tranh với sự chuyển đổi tích cực của nhiều ngân hàng và xuất hiện nhiều hơn các hợp đồng độc quyền hợp tác với các doanh nghiệp bảo hiểm.

Nathan Vu

Founder Artinvestor

• VietnamBiz