‘Người uống rượu thì vui, người ngoài nhìn lại sợ’

Theo một cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), khi lợi suất tại Mỹ tăng cao và khuyến khích nhà đầu tư rút lui khỏi các thị trường mới nổi, dòng vốn có thể tháo chạy khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây ra hỗn loạn trên thị trường tài chính.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Li Daokui – cựu thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của PBoC, cảnh báo rằng nguy cơ dòng vốn tháo chạy và xuất hiện làn sóng vỡ nợ trái phiếu là hai trong số những rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong năm nay.

Bất ổn trên thị trường tài chính Trung Quốc phần nào bắt nguồn từ gói giải cứu COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ. Gói kích thích này có thể tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, song cũng làm gia tăng thêm rủi ro, ông Li nhấn mạnh.

“Rủi ro giống như khi uống rượu: bạn cảm thấy khoan khoái trong người nhưng người khác lại thấy lo lắng cho hậu quả về sau. Khi gói kích thích cạn kiệt và nền kinh tế Mỹ trở lại bình thường, diễn biến sau đó sẽ rất nguy hiểm cho các nền kinh tế thị trường mới nổi”, ông Li, hiện đang là giáo sư giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa, lý giải.

Gói giải cứu nghìn tỷ USD của Mỹ đang cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát, đồng thời đẩy lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ lên cao và khuyến khích nhà đầu tư bán các tài sản rủi ro ở những thị trường mới nổi.

Theo Bloomberg, đó chính là nỗi lo của các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu, vì họ sẽ phải chấp nhận tình trạng biến động mạnh trên thị trường tiền tệ và tài chính.

Khi lãi suất danh nghĩa tại Mỹ tăng lên, “nhiều khả năng dòng vốn sẽ tháo chảy khỏi thị trường Trung Quốc trong nửa cuối năm nay”, ông Li cảnh báo.

“Rất nhiều nhà đầu tư đang chuyển dòng vốn ra khỏi các nền kinh tế thị trường mới nổi. Trung Quốc lại sở hữu những đặc điểm của thị trường kiểu này, dù ở thời điểm hiện tại nước ta đang được xem là một thị trường ổn định nhờ thành tích tốt trên mặt trận chống COVID-19”, ông Li lý giải cụ thể.

Đầu năm nay, dòng vốn nước ngoài ồ ạt chảy vào Trung Quốc vì đất nước tỷ dân có sự phục hồi kinh tế nhanh chóng và mặt bằng lãi suất tương đối cao so với các nền kinh tế phát triển.

Trung Quốc lo sợ dòng vốn tháo chạy và vỡ nợ trái phiếu: 'Rủi ro như khi uống rượu' - Ảnh 1.

Ông Li Daokui, cựu cố vấn PBoC và hiện là giáo sư giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh). Ảnh: CGTN.

Cuối tuần trước, ông Yi Huiman, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, đã lên tiếng cảnh báo về rủi ro của dòng “tiền nóng” mà theo ông là có thể gây nguy hiểm cho sự phát triển lành mạnh của thị trường và cần được kiểm soát chặt chẽ.

Cố vấn PBoC mới được bổ nhiệm Wang Yiming cho biết tốc độ phục hồi nhanh hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ có thể khiến dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và có khả năng tạo ra “hỗn loạn trên thị trường tài chính”.

Tuy nhiên, một bài đăng trên Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc khẳng định rủi ro dòng vốn tháo chạy là “có thể kiểm soát được”.

Cựu cố vấn Li Daokui khuyến nghị rằng các nhà chức trách Trung Quốc nên thận trọng với việc nới lỏng quy định kiểm soát vốn, đồng thời cho biết PBoC có thể giảm bớt áp lực lên đồng nội tệ bằng cách tăng biên độ dao động của tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ.

“Năm nay có thể là một năm khó khăn cho thị trường tài chính Trung Quốc vì dòng vốn nước ngoài có thể tháo chạy”, ông Li nhấn mạnh. “Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể tăng biên độ dao động của tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ nhằm tránh tích tụ áp lực lên đồng tiền”.

PBoC sẽ cần phải đề phòng rủi ro vỡ nợ trái phiếu vì vụ việc có thể gây ra tâm lý hoảng loạn trên thị trường. Cú sốc này từng xảy ra vào cuối năm ngoái, khi một số công ty nhà nước lớn không thể thanh toán nợ đến hạn.

“Năm nay, tình trạng vỡ nợ trái phiếu có thể xảy ra ở quy mô lớn hơn năm ngoái. Rủi ro là không biết liệu làn sóng có lan rộng hay không”, ông Li lưu ý. Rủi ro vỡ nợ lan rộng tại Trung Quốc đang lớn dần vì các công ty thường bảo lãnh nợ của nhau.

“Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) cần phải bơm thêm thanh khoản để ngăn rủi ro vỡ nợ trái phiếu lan rộng. Tôi cho rằng PBoC nên làm việc cùng CBIRC để giải quyết các khoản nợ xấu mà không kích hoạt một làn sóng vỡ nợ mới”, giáo sư Li Daokui gợi ý.

• VietnamBiz