Nhóm quỹ Dragon Capital muốn bán hơn 100 triệu cổ phiếu ACB

Thông qua ba quỹ thành viên, Dragon Capital đăng ký bán ròng 100 triệu ACB, dự thu về hơn 3.300 tỷ đồng

Dragon Capital muốn bán hơn 100 triệu cổ phiếu ACB  - Ảnh 1.

Ngân hàng TMCP Á Châu. (Ảnh: Lê Huy).

Mới đây, Dragon Capital  thông qua hai quỹ ngoại là First Burns Investments Ltd (FBIL) và Asia Reach Investments Ltd (ARIL) đăng ký bán ra gần 110 triệu cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu.  

Cụ thể, FBIL đăng ký bán toàn bộ hơn 53,5 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 2,475% vốn điều lệ của ngân hàng; còn ARIL đăng ký bán hết hơn 54,3 triệu cổ phiếu (2,51%).

Cả hai giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/3 đến 8/4, theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Vào tháng 10 năm ngoái, hai cổ đông ngoại này cũng từng bán ra lượng lớn cổ phiếu ACB. Khi đó, FBIL đã bán hơn 29 triệu cổ phiếu, và ARIL bán hơn 13,75 triệu cổ phiếu.

Ở chiều ngược lại, cũng từ ngày 10/3 đến 8/4, DC Developing Markets Strategies Public Ltd Co (DCDMSPLC) – một quỹ thành viên khác thuộc Dragon Capital, đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu ACB.

Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phiếu ACB do quỹ DCDMSPLC sở hữu sẽ tăng lên hơn 7,8 triệu đơn vị (tương đương 0,36%)

Như vậy, qua cả ba giao dịch trên, Dragon Capital dự kiến bán ròng hơn 100 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 4,71% vốn điều lệ ngân hàng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACB đóng cửa ngày 5/3 tại mức giá 32.450 đồng/cp, tăng 13,2% so với thời điểm đầu năm. Ước tính với mức giá này, Dragon Capital sẽ thu ròng hơn 3.300 tỷ đồng.

Được biết, Chủ tịch của Dragon Capital, ông Dominic Scriven hiện là Thành viên HĐQT của ACB.

Dragon Capital muốn bán hơn 100 triệu cổ phiếu ACB  - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu ACB thời gian gần đây. (Ảnh: TradingView).

Về kết quả kinh doanh, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 9.596 tỷ đồng, tăng 27,7% so với năm trước và vượt 25,7% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 7.683 tỷ đồng, tăng 27,8%.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản ACB đạt 444.530 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cuối năm trước. Trong dự nợ cho vay khách hàng tăng tương ứng lên mức 311.479 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 14,6%, đạt 353.196 tỷ đồng.

Trong năm 2020, tổng giá trị nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng thêm 27%, đạt gần 1.840 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,59%.

Với việc mạnh tay trích lập dự phòng trong năm vừa qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào cuối quý IV/2020 đạt 160%; qua đó giúp ACB nằm trong top những nhà băng có bộ đệm dự phòng “chắc chắn” nhất hiện nay.

• VietnamBiz