Nhu cầu tín dụng sẽ phục hồi, dự kiến tăng 13,1% trong năm 2021
Chuyên gia của VDSC nhận định tăng trưởng kinh tế sẽ hứa hẹn sự phục hồi tăng trưởng tín dụng vào năm 2021. Tăng trưởng tín dụng ước khoảng 11,4 – 14,7%, bình quân 13,1%.
Nhu cầu tín dụng được dự báo tăng khoảng 11,4 – 14,7%
Theo báo cáo mới đây Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2020, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào do chênh lệch âm giữa tăng trưởng tín dụng và huy động liên tục kéo dài mặc dù vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tín dụng có cải thiện.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng. Do đó, tăng trưởng thấp của nền kinh tế có tác động qua lại đến cầu tín dụng yếu.
Chuyên gia của VDSC cũng lưu ý thêm rằng không loại trừ một phần lớn dư nợ tín dụng tăng thêm trong những tháng cuối năm 2020 là do đảo nợ và lãi nhập gốc. Điều này đặt ra câu hỏi về chất lượng tăng trưởng tín dụng và các tác động qua lại của nó với tăng trưởng GDP.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng kỳ vọng rằng sự tăng trưởng ổn định của các hoạt động kinh tế trong điều kiện bình thường mới sau khi đại dịch được kiểm soát sẽ giúp nhu cầu tín dụng phục hồi mạnh mẽ.
Đối với năm 2021, nhu cầu tín dụng được dự báo sẽ phục hồi cùng với nền kinh tế, tăng trưởng khoảng 11,4 – 14,7%, bình quân 13,1%. Trong khi đó, tăng trưởng huy động khách hàng dự kiến đạt 9,2 – 12,3%, bình quân 10,8% cho năm 2021.
Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng tín dụng quanh mức trung bình ngành do nguồn vốn được cải thiện. Các ngân hàng quốc doanh áp dụng Thông tư 41 có hệ số CAR là 9,5% vào cuối quý III.
“Chúng tôi kỳ vọng con số này sẽ đủ cho tăng trưởng tín dụng 1,5 – 2,0 % năm. Áp lực tăng vốn đối với nhóm này sẽ tăng dần về cuối năm” báo cáo viết.
Các ngân hàng tư nhân áp dụng Thông tư 22 đã ghi nhận hệ số CAR là 9,7% vào cuối quý III/2020. Mức này nhiều khả năng sẽ không đáp ứng được mức tăng trưởng tín dụng trên 10% trong năm tới.
Ít dư địa cắt giảm lãi suất trong năm 2021
Báo cáo nhận định việc hạ trần lãi suất huy động đã tạo dư địa cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Nó đã tạo ra một môi trường tích cực cho tăng trưởng kinh tế, mà VDSC kỳ vọng sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2023 – 2024.
Năm 2020, những lần giảm lãi suất đầu tiên ảnh hưởng đến lãi suất huy động kì hạn ngắn hơn, trong khi các đợt giảm lãi suất sau tác động nhiều đến lãi suất huy động kì hạn dài hơn.
Dựa trên CPI của năm 2020 là hơn 3%, cho năm 2021, chuyên gia của VDSC dự đoán sẽ ít dư địa cho việc cắt giảm lãi suất tiền gửi hơn so với năm 2020. Việc cắt giảm lãi suất tiềm năng sẽ là ở lãi suất tiền gửi dài hạn.
• VietnamBiz