PG Bank sẽ về đâu khi dừng sáp nhập với HDBank?
PG Bank muốn dừng sáp nhập vào HDBank trong bối cảnh xuất hiện nhiều nghi ngờ nhà băng này đã có ”đối tượng” mới. Mặt khác, có gần 67 triệu cổ phiếu PGB được trao tay theo phương thức thỏa thuận kể từ đầu năm, tương đương 22% lượng cổ phần tự do chuyển nhượng.
PG Bank “chật vật” tìm đối tác sáp nhập
Ngày 30/3 tới đây, Ngân hàng TMCP Petrolimex (PG Bank – Mã: PGB) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 theo hình thức trực tuyến.
Một trong những nội dung quan trọng dự kiến được thông qua trong cuộc họp sắp tới là phương hướng giải quyết đề án sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Phát triển Hồ Chí Minh (HDBank).
Tại báo cáo phục vụ đại hội, Ban quản trị PG Bank cho biết sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 xem xét thông qua việc dừng giao dịch sáp nhập PG Bank vào HDBank.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, vào tháng 4/2018, ĐHĐCĐ đã thông qua nội dung sáp nhập PG Bank vào HDBank. Mặc dù, hai ngân hàng đã khẩn trương, tích cực triển khai giao dịch sáp nhập cũng như đàm phán các nội dung liên quan. Hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc vào tháng 10/2018.
“Tuy nhiên, cho đến nay giao dịch sáp nhập giữa hai ngân hàng vẫn chưa được chính thức chấp thuận. Thời gian sáp nhập kéo dài gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của PG Bank”, Báo cáo nêu rõ.
Việc PG Bank muốn dừng sáp nhập với HDBank không gây bất ngờ cho giới đầu tư và những người trong ngành khi trước đó thương vụ này liên tục bị trì hoãn. Thậm chí, ngay từ cuối năm 2020, nhiều đơn vị phân tích thị trường đã nhận định thương vụ sáp nhập giữa HD Bank và PG Bank gần như không thể xảy ra.
Tại báo cáo phát hành vào tháng 11/2020, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá “Khả năng HDBank mua lại PG Bank khá thấp” và cho biết ban lãnh đạo HDBank “lo ngại rằng thương vụ này khó có khả năng xảy ra trong tương lai”.
Trong trường hợp đề xuất dừng sáp nhập vào HD Bank được đại hội cổ đông thông qua, đây sẽ là lần thứ hai PG Bank “lỡ duyên” M&A trong gần 10 năm qua. Trước đó, đối tượng đầu tiên mà PG Bank muốn gắn bó là VietinBank.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, cả VietinBank và PG Bank đều đã phê duyệt phương án sáp nhập. Khi đó, VietinBank muốn phát triển PG Bank trở thành công ty tài chính trực thuộc và việc sáp nhập dự kiến hoàn thành ngay trong năm 2016.
Tuy nhiên cuộc ‘hôn nhân’ giữa VietinBank và PGBank đã không diễn ra như dự kiến, liên tục bị trì hoãn mà vướng mắc lớn nhất là tỷ lệ hoán đổi cổ phần. Sự việc kéo dài đến năm 2017, cổ đông than phiền sự chậm trễ sáp nhập gây ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu và không được nhận cổ tức. Cuối cùng, sau nhiều năm đàm phán đã không có cuộc sáp nhập giữa VietinBank và PG Bank.
…và những diễn biến mới
Sau thương vụ sáp nhập bất thành vào VietinBank và lộ trình đến với HDBank trở nên vô vọng, một diễn biến mới liên quan đến bộ máy nhân sự cấp cao của PG Bank lại làm dấy lên nghi ngờ lối rẽ khác của nhà băng này.
Vào cuối năm 2020, Hội đồng quản trị PG Bank đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng Giám đốc PG Bank thay ông Nguyễn Tiến Dũng từ ngày 2/11/2020.
Trước khi gia nhập PG Bank, ông Hùng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Công nghệ và vận hành, rồi sau này được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối vận hành của MSB. Ngoài ra, ngày chính thức bị bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc tại MSB (2/11/2020) cũng là ngày đầu tiên ông Hùng nhận chức tại PG Bank.
Trước ông Hùng, ông Hoàng Xuân Hiệp – một nhân sự cao cấp từng làm việc tại MSB cũng gia nhập và được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc PG Bank, phụ trách điều hành và xử lí các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.
Theo giới thiệu của PG Bank, ông Hiệp từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB trước đó, như Phó Tổng Giám đốc; Tổng Giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản MSB.
Liên tiếp hai nhân sự từng làm việc ở MSB, được bổ nhiệm giữ các vị trí quan trọng tại PG Bank có thể chỉ là trùng hợp. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này tạo ra nghi vấn về khả năng MSB đang gia tăng ảnh hưởng tại PG Bank khi thương vụ sáp nhập vào HDBank không thể diễn ra như dự kiến.
Bên cạnh đó, MSB cũng phải là đối tác xa lạ với PG Bank khi đến cuối năm 2018, ngân hàng vẫn là cổ đông lớn, sở hữu 9,98% vốn tại đây. Trong năm 2019, lãnh đạo MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cp, nhưng đến nay vẫn chưa rõ bên nào mua vào.
Mặt khác, trên thị trường chứng khoán cũng liên tiếp xuất hiện những diễn biến “lạ” tại cổ phiếu PGB trong những tuần gần đây.
Kể từ đầu năm đến nay, đã có gần 67 triệu cổ phiếu PGB được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị đạt hơn 1.280 tỷ đồng. Con số này chiếm gần 70% tổng số cổ phiếu PGB được giao dịch trong hơn 2 tháng qua và tương đương hơn 22% lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng của PG Bank.
Không rõ tổ chức nào đã trao tay lượng cổ phiếu trên nhưng theo thông tin được PG Bank công bố, tại thời điểm ngày 26/10/2020, ngân hàng ghi nhận có 10.592 cổ đông, gồm 53 tổ chức (tỷ lệ nắm giữ 67,37%, riêng Petrolimex hơn 40%) và 10.539 cá nhân (32,59%).
Trong khi đó, nhiều cổ đông PG Bank cũng tỏ ra “nóng ruột” về tương lai của nhà băng này.
Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra vào ngày 24/6/2020, ông Trần Ngọc Năm, thành viên HĐQT, đại diện sở hữu vốn của Petrolimex tại PG Bank từng cảnh báo sẽ thoái vốn nếu PG Bank và HDBank không thực hiện sáp nhập
“Tôi đã thay mặt ban lãnh đạo Petrolimex kí gửi văn bản sang HDBank dưới tư cách một cổ đông thông báo với ngân hàng này, đến ngày 31/8/2020, không thực hiện được vấn đề sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái vốn. Điều này có nghĩa sẽ không thực hiện sáp nhập nữa. Nếu 60% cổ đông khác vẫn quyết sáp nhập thì đó là quyền của các cổ đông khác. Còn chúng tôi sở hữu 40% sẽ thoái vốn”, ông Năm cho biết tại đại hội.
• VietnamBiz