Philippines và Indonesia hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế

Ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đã quyết định giảm 0,25 điểm % lãi suất cơ bản nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP), ngân hàng trung ương Philippines (Phi líp-pin), ngày 19/11 đã quyết định hạ lãi suất theo hợp đồng mua lại đảo ngược qua đêm 25 điểm cơ bản, xuống 2%, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay xuống các mức tương ứng 1,5% và 2,5%. Quyết định này sẽ được thực hiện từ ngày 20/11.

Lần gần đây nhất BSP điều chỉnh lãi suất là vào tháng 6/2020, với quyết định hạ 50 điểm cơ bản, khi có những lo ngại rằng nền kinh tế sẽ giảm kỷ lục do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong thông báo, BSP cho biết các dự báo mới nhất tiếp tục cho thấy tình hình lạm phát vẫn thuận lợi, với các dự báo vẫn phù hợp với khoảng mục tiêu 2-4%.  Mức lạm phát trung bình được cho là sẽ trong nửa dưới của khoảng mục tiêu trong năm 2020 cho đến năm 2022, khi hoạt động kinh tế trong nước chậm lại, giá dầu thế giới giảm và đồng peso lên giá.

Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Indonesia (In-đô-nê-xi-a) – BI đã hạ lãi suất sau khi đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này lần đầu tiên rơi vào suy thoái trong hơn 20 năm. 

Cụ thể, BI đã giảm lãi suất cho vay 25 điểm cơ bản xuống 3,75%. Đây là lần hạ lãi suất thứ năm của BI kể từ đầu năm 2020 đến nay trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Động thái này diễn ra hai tuần sau khi Indonesia thông báo nền kinh tế tăng trưởng âm quý thứ hai liên tiếp, lần đầu rơi vào suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1998-1999.

Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Thống đốc BI Perry Warjiyo khẳng định đây là bước đi tiếp theo nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Indonesia. Ông cho biết tăng trưởng kinh tế tại một số nước đã bắt đầu cải thiện trong quý III/2020. Tình hình kinh tế trong nước cũng có sự cải thiện trong quý III/2020 khi không giảm mạnh như quý II/2020. Nhu cầu nội địa cũng đang dần phục hồi. Tình hình xuất khẩu của Indonesia cũng khả quan hơn, chủ yếu nhờ nhu cầu của hai thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Trước đó, Chính phủ Indonesia đã công bố gói kích thích trị giá hơn 48 tỷ USD để giúp giảm nhẹ tác động từ dịch COVID-19. Hàng triệu người Indonesia đã mất việc hoặc phải nghỉ phép trong bối cảnh toàn quốc phải nỗ lực khống chế dịch bệnh. Indonesia là một trong số những quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

• VietnamBiz