Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 15/3
Cuộc họp chính sách tiền tệ rất được mong chờ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ là sự kiện mà thị trường ngoại hối quan tâm nhất trong tuần này.
Tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp. Fed được cho là sẽ không đưa ra thay đổi lớn nào về lãi suất, song nhà đầu tư sẽ theo dõi sát các bình luận liên quan đến thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ sau khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng hơn 1,6% lên mức đỉnh một năm vào ngày 12/3.
Bên cạnh cuộc họp của Fed, nhà đầu tư ngoại hối có thể cũng quan tâm đến số liệu bán lẻ tháng 2 của Mỹ và thông báo chính sách tiền tệ từ hai ngân hàng trung ương lớn khác là Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện đáng chú ý có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:
1. Cuộc họp chính sách của Fed
Theo dự đoán của các nhà phân tích, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn khi cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày kết thúc vào khoảng 14h ngày 17/3 (theo giờ Mỹ), tức khoảng 1h sáng ngày 18/3 theo giờ Việt Nam. Theo đó, lãi suất sẽ tiếp tục nằm trong phạm vi 0 – 0,25%.
Có lẽ quan trọng hơn hết là sau khi Fed đưa ra tuyên bố chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ tổ chức một cuộc họp báo ngắn kéo dài 30 phút. Nhà đầu tư muốn tìm hiểu liệu ông Powell và các nhà hoạch định chính sách có đang lo ngại về mức tăng đột biến của lợi suất trái phiếu Kho bạc trong bối cảnh lạm phát được dự đoán sẽ tăng lên hay không.
Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa ban hành gói cứu trợ khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD. Gói giải cứu kinh tế này được dự báo là sẽ mang lại tác động to lớn cho nền kinh tế Mỹ lẫn kinh tế toàn cầu, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bong bóng tài sản. Nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao bình luận của Fed về gói giải cứu nghìn tỷ USD này.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương Mỹ cũng sẽ đưa ra dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế và lãi suất trong thời gian tới.
Trong khi Fed kỳ vọng sẽ tăng lãi suất vào khoảng cuối năm 2023 thì giới phân tích dự đoán các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ vào cuối năm 2022.
2. Doanh số bán lẻ của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố doanh số bán lẻ tháng 2 vào 8h30 sáng ngày 16/3 (theo giờ Mỹ), tức khoảng 19h30 cùng ngày theo giờ Việt Nam. Hầu hết nhà phân tích đều nhận định doanh số bán lẻ sẽ giảm 0,6% trong tháng 2, trái ngược mức tăng 5,3% hồi tháng 1.
Không tính doanh số ô tô, doanh số bán lẻ cốt lõi dự kiến sẽ giảm 0,1% trong tháng 2 sau khi tăng 5,9% vào tháng đầu tiên của năm 2021. Doanh số bán lẻ tăng cho thấy triển vọng kinh tế đang dần ổn định, trong khi số liệu yếu hơn dự báo cho thấy nền kinh tế đang đi xuống. Hiện tại, chi tiêu của người tiêu dùng chiếm tới 70% tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Ngoài doanh số bán lẻ, tuần này chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố báo cáo mới nhất về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, sản lượng công nghiệp, số lượng nhà ở xây mới cũng như khảo sát về điều kiện sản xuất ở hai khu vực Philadelphia và New York.
3. Tuyên bố chính sách của BoE
BoE dự kiến sẽ đưa ra thông báo chính sách vào lúc 8h sáng ngày 18/3 (theo giờ Mỹ), tức khoảng 19h cùng ngày theo giờ Việt Nam. Thống đốc BoE Andrew Bailey và đồng nghiệp được dự đoán sẽ duy trì lãi suất cho vay ở mức 0,1%.
Theo các nhà phân tích, BoE có thể sẽ đưa ra động thái chính sách mới vào nửa cuối năm 2021, hoặc sớm nhất là vào tháng 5, khi chính phủ Anh công bố triển vọng kinh tế mới.
4. BoJ họp chính sách
BoJ – ngân hàng trung ương tiên phong trong việc kiểm soát đường cong lợi suất, được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay khi cuộc họp chính sách tháng 3 kết thúc vào ngày 19/3.
Tuy nhiên, BoJ có thể sẽ đưa ra thông tin rõ ràng hơn về biên độ dao động của lãi suất dài hạn, nguồn tin của Investing.com cho hay. Sau cuộc họp chính sách tháng 3, Thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ tổ chức một phiên họp báo để thảo luận thêm về quyết định lãi suất của BoJ.
• VietnamBiz