Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 18/1
Trong tuần này, ông Joe Biden sẽ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vào ngày 20/1. Do đó, nhà đầu tư đang chờ xem kế hoạch giải cứu nền kinh tế và kiểm soát đại dịch của ông Biden sẽ được triển khai như thế nào.
Cũng tại Mỹ, phiên điều trần xác nhận bà Janet Yellen làm nữ Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày 19/1. Thị trường ngoại hối đang háo hức chờ đợi các quyết sách của bà Yellen để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành trên cả nước.
Ở diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tổ chức phiên họp chính sách mới giữa lúc các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang phải phong tỏa trên diện rộng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
Ngoài ra, loạt số liệu PMI từ Mỹ, khu vực đồng euro, Nhật Bản và Anh sẽ cho thấy tình trạng của nền kinh tế toàn cầu ở ngưỡng cửa 2021.
Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện đáng chú ý trên thị trườn ngoại hối tuần này như sau:
1. Lễ nhậm chức của ông Biden
Ông Joe Biden sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1, chính thức nắm quyền lãnh đạo một đất nước đang bị đại dịch tàn phá nghiêm trọng và bị chia rẽ sâu sắc về kinh tế – xã hội.
Cuối tuần qua, ông Biden đã công bố gói kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD, bao gồm khoản chi tiền mặt 1.400 USD cho mỗi người dân.
Song, đề xuất này có thể trở thành con dao hai lưỡi với các nhà đầu tư vì nó vừa củng cố tâm lý lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế vừa làm dấy lên lo ngại về cách Mỹ chi trả cho gói kích thích, có thể là thông qua tăng thuế.
2. Xác nhận tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ
Ủy ban Tài chính Thượng viện sẽ tổ chức phiên điều trần xác nhận bà Janet Yellen vào chức Bộ trưởng Bộ Tài chính vào ngày 19/1, một ngày trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.
Bà Yellen, từng là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giai đoạn 2014 – 2018, dự kiến sẽ dễ dàng được Thượng viện thông qua và có khả năng là một trong các lựa chọn nội các đầu tiên của ông Biden được công nhận.
Ngoài ra, bà Yellen sẽ là người giúp ông Biden thúc đẩy gói kích thích tài khóa 1.900 tỷ USD, một khoản chi tiêu thâm hụt mà bà cho là có thể chấp nhận được với môi trường lãi suất cực thấp như hiện tại.
2. ECB nhóm họp đầu năm 2021
ECB sẽ tổ chức cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2021 vào ngày 21/1. Các nhà hoạch định chính sách đã công bố một số biện pháp kích thích bổ sung hồi tháng 12 năm ngoái, song triển vọng kinh tế của EU đang bị che mờ bởi các biến thể SARS-CoV-2 mới và tốc độ triển khai tiêm chủng vắc xin tương đối chậm.
Các nhà đầu tư có lý do để lo ngại. Chủ tịch ECB Christine Lagarde từng đưa ra dự đoán lạc quan về triển vọng kinh tế, song các đợt phong tỏa kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế châu Âu.
Trong bối cảnh trên, các nhà đầu tư có lẽ đang kì vọng ECB phát tín hiệu cam kết sẽ sử dụng toàn bộ công cụ chính sách để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, trong đó có chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 2.240 tỷ USD.
4. Dữ liệu kinh tế
Số liệu PMI đầu tiên của năm 2021 từ Mỹ, khu vực đồng euro, Anh và Nhật Bản sẽ được công bố vào ngày 22/1 và có thể yếu hơn dự đoán.
Trong khi triển vọng kinh tế phục hồi vẫn còn, các lệnh hạn chế di chuyển và biến chủng SARS-CoV-2 mới lại khiến công chúng nghi ngờ về độ chính xác của các dự báo.
Ngoài chỉ số PMI, các dữ liệu kinh tế khác mà nhà đầu tư có thể quan tâm trong tuần này còn có hai bộ số liệu nhà ở mới của Mỹ, gồm giấy phép nhà ở xây mới (công bố ngày 21/1) và doanh số bán nhà hiện có (công bố ngày 22/1).
Đáng chú ý, Trung Quốc vừa công bố số liệu tăng trưởng. Tính chung năm 2020, GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 2,3%. Trung Quốc là một trong số ít các nước phục hồi theo mô hình chữ V và được dự đoán sẽ là đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới bước qua COVID-19.
• VietnamBiz