Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 26/4
Tuần này, nhà đầu tư ngoại hối sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho những sự kiện lớn như cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và cuộc họp sản lượng của liên minh dầu mỏ OPEC+.
Ngoài hai cuộc họp quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và liên minh dầu mỏ OPEC+, thị trường ngoại hối còn có thể đón nhận dữ liệu tăng trưởng quý I của Mỹ cùng một số số liệu kinh tế mới khác.
Investing.com đã tổng hợp các sự kiện đáng chú ý có thể ảnh hưởng đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:
1. Quyết định lãi suất của Fed
Trong hai ngày 27-28/4, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) dự kiến sẽ nhóm họp. Theo dự đoán của giới phân tích, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không điều chỉnh lãi suất khi kết thúc cuộc họp này.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Fed đã duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn gần mức 0 và tiếp tục mua ít nhất 120 tỷ USD tài sản liên quan đến trái phiếu mỗi tháng. Các chương trình thu mua tài sản này đã đẩy bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ lên gần 8.000 tỷ USD, gần gấp đôi con số kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế nổ ra.
Ông Andrew Hunter – nhà kinh tế cao cấp của Capital Economics, cho rằng tuyên bố chính sách lần này của Fed có thể sẽ lạc quan hơn so với trước khi mà nền kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Sau tuyên bố chính sách, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ tổ chức một cuộc họp báo kéo dài khoảng 30 phút. Ông Powell được cho là sẽ bảo vệ lập trường hiện tại của Fed cho đến khi nền kinh tế phục hồi vững chắc hơn và Fed chạm gần đến mục tiêu lạm phát 2%.
2. Cuộc họp của OPEC+
Ngày 28/4 tới, liên minh dầu mỏ OPEC và các đồng minh (tức OPEC+) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiếp theo. Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak và các nguồn tin khác cho biết, OPEC+ sẽ dùng sự kiện sắp tới để xác nhận hoặc điều chỉnh kế hoạch sản lượng sau quyết định bất ngờ hồi đầu tháng 4.
“Chúng tôi vừa gặp nhau một tháng trước và thảo luận kế hoạch hành động cho ba tháng tới. Vì vậy, nếu không có gì bất thường xảy ra thì nhiệm vụ của OPEC+ trong cuộc họp tới là xác nhận và điều chỉnh kế hoạch cũ”, ông Novak cho hay vào cuối tuần trước.
Tại cuộc họp đầu tháng 4, OPEC+ đã đồng ý sẽ tăng sản lượng thêm 350.000 thùng/ngày vào tháng 5, tiếp tục 350.000 thùng/ngày vào tháng 6 và cuối cùng bơm thêm 450.000 thùng/ngày trong tháng 7.
Ngoài ra, Arab Saudi sẽ tự nguyện giảm thêm 1 triệu thùng/ngày, sau đó tăng 250.000 thùng/ngày trong tháng 5, 350.000 thùng/ngày vào tháng 6 và cuối cùng 400.000 thùng/ngày trong tháng 7.
3. Số liệu GDP sơ bộ của Mỹ
Theo Investing.com, nhà đầu tư ngoại hối còn có thể quan tâm đến số liệu sơ bộ về GDP quý I năm nay của Mỹ để tìm kiếm thêm manh mối về sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dự kiến, dữ liệu mới sẽ cho thấy trong quý I năm nay, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng so với tốc độ tăng trưởng 4,3% của quý IV/2020.
Bản báo cáo trên sẽ được công bố vào khoảng 19h30 ngày 29/4 (theo giờ Việt Nam).
4. Chỉ số đo lạm phát ưa thích của Fed
Tuần này, Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ công bố dữ liệu về thu nhập và chi tiêu cá nhân tháng 3, trong đó có chỉ số lạm phát chi tiêu cá nhân (PCE). Bộ dữ liệu này dự kiến công bố vào 19h30 ngày 30/4 (theo giờ Việt Nam).
Nhìn chung, các nhà phân tích đồng ý rằng chỉ số giá PCE cốt lõi – thước đo lạm phát yêu thích của Fed, sẽ tăng 0,3% trong tháng 3 năm nay. Tháng trước đó, chỉ số này chỉ tăng khoảng 0,1%.
Ngân hàng trung ương Mỹ thường sử dụng chỉ số giá PCE cốt lõi để xác định nên tăng hay giảm lãi suất, với mục đích duy trì lạm phát ở mức 2% hoặc thấp hơn.
Trong tuần, chính phủ Mỹ còn công bố thêm một số dữ liệu khác như báo cáo niềm tin người tiêu dùng, số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và doanh số nhà chờ bán.
Ngoài lịch kinh tế, nhà đầu tư có thể sẽ chú ý đến gói chi tiêu cơ sở hạ tầng hơn 2.000 tỷ USD và các đề xuất tăng thuế của Tổng thống Joe Biden. Ông Biden dự kiến sẽ trình bày chi tiết dự luật “American Families Plan” và đề xuất tăng thuế thặng dư vốn trong phiên họp trước Quốc hội Mỹ vào ngày 28/4.
• VietnamBiz