Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 8/3
Tuần này, nhà đầu tư ngoại hối sẽ theo dõi sát tiến độ của gói cứu trợ COVID-19 mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất. Dự luật này đã được Thượng viện thông qua và gửi lại Hạ viện để bỏ phiếu cho một số điều chỉnh mới.
Ngoài dự luật cứu trợ kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden, nhà đầu tư cũng có thể sẽ quan tâm đến số liệu lạm phát của Mỹ, trong đó có báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố ngày 10/3 và chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố ngày 12/3.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách mới nhất vào ngày 11/3. Ngoài ra, Anh cũng sẽ công bố các số liệu tăng trưởng tháng 1, báo cáo được cho là sẽ phản ảnh ảnh hưởng của đợt phong tỏa toàn quốc hồi đầu năm và Brexit lên nền kinh tế.
Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện lớn có khả năng ảnh hưởng đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:
1. Kích thích nghìn tỷ: Con dao hai lưỡi?
Sau khi được Thượng viện thông qua hôm 6/3, dự luật kích thích tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD sẽ được chuyển lại về Hạ viện. Các hạ nghị sĩ Mỹ sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 9/3 nhằm thông qua một số điều chỉnh mới trong dự luật.
Sau khi Hạ viện phê duyệt, dự luật hoàn chỉnh sẽ lên đường đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden. Các nhà lập pháp Mỹ kỳ vọng ông Biden sẽ ký ban hành dự luật thành luật trước ngày 14/3, thời điểm các trợ cấp thất nghiệp bổ sung hiện tại hết hạn.
Gói giải cứu mà ông Biden đề xuất sẽ tạo ra một cú hích lớn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ, song tâm lý lạc quan phần nào đang bị khỏa lấp bởi những lo ngại về lạm phát và lãi suất tăng.
Khá nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu xem việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ nhảy vọt là dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể tăng nóng và gây hại cho nền kinh tế. Tuần trước, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã leo lên mức cao chưa từng thấy kể từ trước đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, hôm 5/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng lợi suất trái phiếu Kho bạc dài hạn tăng cao là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có khả năng phục hồi mạnh mẽ, chứ không liên quan đến lo ngại lạm phát.
2. Số liệu lạm phát của Mỹ
Tuần này, nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ theo dõi chặt chẽ hai chỉ số CPI và PPI của Mỹ, lần lượt công bố vào ngày 10/3 và 12/3.
Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, ngay cả khi giá hàng hóa tăng vào mùa xuân năm nay như dự đoán, ông hy vọng thị trường sẽ kiên nhẫn. Đồng thời, Chủ tịch Powell báo hiệu Fed sẽ không thay đổi chính sách tiền tệ cho đến khi nền kinh tế Mỹ phục hồi.
Trước thềm cuộc họp chính sách trong hai ngày 16 và 17/3, các quan chức Fed sẽ im ắng như thường lệ, Investing.com lưu ý. Các báo cáo đáng quan tâm khác còn có số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp và chỉ số niềm tin người tiêu dùng đều công bố vào ngày 11/3.
3. Cuộc họp ECB
Cuộc họp chính sách của ECB vào ngày 11/3 là sự kiện quan trọng bậc nhất với khu vực đồng tiền chung euro sau các đợt phong tỏa kéo dài trong quý I năm nay. Các nhà hoạch định chính sách sẽ đánh giá thiệt hại của đại dịch với tăng trưởng kinh tế chung, ngay giữa lúc châu Âu đang chật vật triển khai vắc xin, trái ngược so với chiến lược của Anh và Mỹ.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng sẽ công bố dự báo kinh tế mới tại cuộc họp tuần này. Ngoài phiên họp chính sách của ECB, khu vực Eurozone cũng sẽ công bố số liệu sản lượng công nghiệp tháng 1 vào ngày 12/3. Giới phân tích dự đoán sản lượng công nghiệp của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm trong tháng đầu tiên của năm 2021.
4. Anh công bố GDP
Anh dự kiến sẽ công bố tăng trưởng GDP tháng 1 vào ngày 12/3 và sẽ không có gì ngạc nhiên khi số liệu giảm mạnh sau khi Anh bước vào đợt phong tỏa toàn quốc hồi đầu năm cũng như chịu ảnh hưởng từ sự kiện Brexit.
Tăng trưởng GDP của Anh được dự đoán là sẽ chịu tác động từ việc đóng cửa nhiều lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng hồi đầu năm, cũng như từ các thay đổi trong lĩnh vực sản xuất sau khi các điều kiện thương mại giữa Anh và EU thay đổi.
• VietnamBiz