Tesla mua 1,5 tỷ USD bitcoin là nước đi khôn ngoan hay dại dột?

Một số chuyên gia cho rằng Tesla đang tạo ra rủi ro cho chính mình do giá bitcoin biến động cực mạnh. Nhưng khoản đầu tư vào bitcoin của Tesla cũng mang đến thách thức cho nhà đầu tư vì nó tạo ra phương thức giúp công ty làm đẹp báo cáo tài chính nếu cần.

Tesla mua 1,5 tỷ USD là nước đi khôn ngoan hay dại dột? - Ảnh 1.

CEO Tesla Elon Musk. (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia tranh cãi

Hôm 8/2, Tesla thông báo công ty đã mua 1,5 tỷ USD bitcoin. Gần đây tỷ phú CEO Elon Musk đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ với bitcoin.

Một trong những câu hỏi chính là liệu quyết định đầu tư vào bitcoin và nhận thanh toán bằng đồng tiền mã hóa này có phải là cách dùng vốn cẩn trọng không. Câu hỏi này đặc biệt quan trọng do cả giá cổ phiếu Tesla lẫn bitcoin đều rất dễ trồi sụt. 

Ông Christopher Schwarz, Giám đốc khoa tài chính của Trung tâm Đầu tư và Quản lý Tài sản tại Đại học California nhận xét: “Chiến lược của Tesla cực kỳ tồi tệ ở nhiều cấp độ. Về bản chất, việc này giống như tạo ra rủi ro tiền tệ vì không nhà cung cấp nào của Tesla nhận thanh toán bằng bitcoin”.

Động thái của Elon Musk diễn ra trong lúc Tesla đang đẩy mạnh sản xuất. Tuy giá cổ phiếu thăng hoa giúp vốn hóa Tesla vượt 800 tỷ USD nhưng nhà sản xuất xe điện này vẫn là chỉ là tay chơi trong thị trường ngách của ngành ô tô, MarketWatch nhận định.

Trong 12 tháng qua, cổ phiếu Tesla tăng chóng mặt 472%. Tờ Wall Street Journal chỉ ra rằng Tesla đã tận dụng nhóm nhà đầu tư cuồng nhiệt và đà tăng sốc để củng cố vị thế tiền mặt. Cuối năm 2020, Tesla có trong tay 19,4 tỷ USD tiền mặt, nhiều hơn hẳn con số 6,3 tỷ USD một năm trước đó. Điều này cũng có nghĩa là khoản phân bổ sang bitcoin tương đương 8% lượng tiền mặt của Tesla.

Ông Jerry Klein, đối tác hãng Treasury Partners cho biết: “Việc Tesla mua bitcoin là cách sử dụng tiền khác thường đối với doanh nghiệp. Các công ty thường giữ tiền trong những tài sản an toàn và ít biến động hơn để đảm bảo thanh khoản, ví dụ như chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu ngắn hạn”. 

“Dù cổ đông Tesla đang nhận định tích cực với thông tin trên nhưng phản ứng của họ có thể thay đổi nếu giá bitcoin giảm và tác động tiêu cực đến lợi nhuận tương lai”.

“Tuy bitcoin tăng mạnh trong những tháng gần đây, đồng tiền này biến động rất dữ dội trong vài năm qua”, ông Klein nói với MarketWatch. Kết phiên 8/2, Tesla nhích 1,3%. Giá bitcoin thì tăng sốc sau quyết định đầu tư của Tesla, có lúc vượt mốc 48.000 USD/coin.

Nhà phân tích Joe Osha tại JMP Securities thì cho rằng khoản đầu tư của Tesla vào bitcoin là không đáng kể khi xét đến năng lực tạo tiền mặt của công ty. Ông ước tính Tesla tạo ra gần 1,9 tỷ USD dòng tiền tự do trong quý IV/2020.  

Ông Osha nhận xét động thái này phù hợp với chiến lược trở thành kẻ đột phá của công ty: “Tôi coi việc mua bitcoin là một trong những nỗ lực của Tesla để đổi mới cách bán và giao xe cho khách hàng”, bên cạnh mô hình bán xe không thông qua đại lý.

Ông Chester Spatt, cựu Giám đốc Văn phòng Phân tích Kinh tế của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) nói rằng biến động cao là nguyên nhân khiến bitcoin khó được sử dụng làm tài sản dự trữ hoặc phương tiện thanh toán của doanh nghiệp.

“Bitcoin biến động mạnh gấp khoảng 10 lần so với đồng euro nên các doanh nghiệp nắm giữ bitcoin trong bảng cân đối kế toán đối mặt với rất nhiều thách thức”. 

Thách thức trong kế toán

Chỉ trong vòng 12 giờ sau tiết lộ của Tesla, giá bitcoin đã tăng hơn 23%, vượt mốc 48.000 USD. Nhưng Tesla sẽ không thể ghi tăng giá trị bitcoin mà công ty sở hữu. Giá trị bitcoin hạch toán trong báo cáo tài chính chỉ có thể đi xuống.

Theo Reuters, Tesla sẽ phải coi số bitcoin công ty nắm giữ là tài sản vô hình tồn tại vô thời hạn. Thông thường các loại tài sản được xếp vào danh mục này bao gồm thương hiệu hoặc nhãn hiệu. Điều này đồng nghĩa với việc chúng sẽ bị ghi nhận giảm giá trong trường hợp có sự sụt giảm, bao gồm giá giao dịch trên thị trường thấp hơn giá công ty mua vào. Lợi nhuận (nếu có) chỉ có thể được ghi nhận khi tài sản được bán.

Phương pháp kế toán hiện tại của Mỹ tuân theo quá trình loại bỏ. Các loại tiền mã hóa như bitcoin không được coi là tiền mặt vì không có sự đảm bảo của chính phủ. Chúng cũng không phù hợp với định nghĩa truyền thống của công cụ tài chính. Hẳn nhiên tiền mã hóa cũng không phải là tài sản hữu hình có thể được xếp vào hàng tồn kho.

Biến động thường xuyên cho thấy nhiều khả năng giá trị ghi sổ bitcoin trong báo cáo của Tesla sẽ chỉ đi xuống ngay cả khi giá thị trường tăng kỷ lục.

Hãy tưởng tượng một Tesla trong tương lai với lượng bitcoin nắm giữ có giá trị cao hơn nhiều so với giá mua vào. Về cơ bản, Tesla sẽ báo cáo giá trị bitcoin dựa trên giá giao dịch thấp nhất kể từ khi nó được công ty mua. Điều đó sẽ gây hiểu lầm và cung cấp cho các nhà quản lý khoản lợi nhuận khổng lồ bị ẩn đi. Elon Musk có thể đánh giá cao sự linh hoạt đó, nhưng nhà đầu tư thì không.

• VietnamBiz