Thanh toán số tăng trưởng mạnh trong mùa dịch

Tỷ lệ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt của người Việt trong thời gian qua đã có những cải thiện đáng kểm nhất là trong đại dịch COVID-19 khi người dân được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc.

Theo thông tin khảo sát từ VisaNet, tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng 34% trong quý I năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. 

Tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230% so với cùng kỳ. Trong đó, việc thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc được sử dụng nhiều nhất trong danh mục thực phẩm và ăn uống, với 67% người dùng tăng cường sử dụng.

Thanh toán số tăng trưởng mạnh trong mùa dịch - Ảnh 1.

Tỷ lệ thực hiện các thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam tăng lên trong quý I. (Nguồn: VisaNet).

Cũng theo VisaNet, tỷ lệ người dùng thanh toán qua mã QR tăng vọt trong đại dịch, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hoá đơn, mua sắm bán lẻ, thanh toán tại siêu thị với mức tăng lần lượt là 71%, 58% và 57%.

Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, Bà Đặng Tuyết Dung cho biết kể từ khi đại dịch xảy ra, thói quen thanh toán của người tiêu dùng Việt đã nhanh chóng chuyển sang áp dụng các phương thức an toàn, tiện lợi hơn mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp.

Theo đó, lý do dẫn tới sự thay đổi này chính là sự an toàn mà thanh toán kỹ thuật số mang lại so với tiền mặt, với 58% người thực hiện khảo sát đồng ý.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến tháng 3/2021, cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. 

So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng lên mức 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị. Bên cạnh đó, giao dịch qua kênh điện thoại di động cũng tăng lên 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code được ghi nhận tăng tương ứng  83% về số lượng và 146% về giá trị.

Có thể thấy, nhu cầu giao dịch tăng mạnh không chỉ do tác động của COVID-19 mà còn là những chính sách hỗ trợ từ phía chính phủ. Hành lang pháp lý đối với lĩnh vực trung gian thanh toán ngày càng hoàn thiện giúp các hệ thống thanh toán ngày càng được chú trọng đầu tư, tạo đà phát triển cho các dịch vụ thanh toán số.

Bên cạnh đó, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến được NHNN và các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Việc chính phủ ban hành quyết định 316 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ cũng sẽ là đòn bẩy giúp thanh toán không tiền mặt phát triển mạnh mẽ.

Theo quyết định trên, khách hàng mở và sử dụng Mobile Money không đòi hỏi người dùng phải có tài khoản ngân hàng và chỉ yêu cầu có SIM thuê bao di động được định danh theo quy định của pháp luật. 

Với hơn 126 triệu thuê bao di động, trong đó 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, cơ hội cho việc phát triển dịch vụ Mobile Money là vô cùng lớn.

• VietnamBiz