Tiền điện tử hot nhất tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản được cho là đang tạo ra những động lực to lớn, tác động tích cực đến thị trường bitcoin và tiền điện tử thế giới.

Theo Forbes, gần đây, khi Bắc Kinh đe dọa đóng cửa các sàn giao dịch tiền điện tử và cấm mua bitcoin, giá bitcoin có thể sẽ sớm tăng mạnh. 

Bitcoin được tạo ra bởi một người (hoặc nhiều người) có biệt danh là Satoshi Nakamoto (tiếng Nhật) đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư toàn cầu. Vậy, tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc thì bitcoin hay loại tiền điện tử nào đang được chú ý nhất?

Thị trường tiền điện tử ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản

Nhà báo Joseph Young của bản tin Forbes Alpha Alarm cho biết rằng Hàn Quốc đang trong quá trình phê duyệt nhiều chính sách kiểm soát tiền điện tử.

Theo đó, công ty đầu tư, quản lý tài sản Hanwha Asset Management có khả năng sẽ hình thành một quỹ tài sản kỹ thuật số để tạo tiền lệ quan trọng trong bối cảnh tiền điện tử ở Hàn Quốc phát triển nhanh chóng. 

Điều này cũng tương tự như cách MicroStrategy đánh dấu sự khởi đầu của một tổ chức đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường tiền điện tử ở Mỹ.

Ông Young nói: “Có rất ít nhu cầu về thể chế đến từ Hàn Quốc khi so sánh với Mỹ và châu Âu. Nếu điều này dẫn đến dòng vốn đáng kể vào thị trường tiền điện tử Hàn Quốc thì toàn bộ thị trường tiền điện tử nước này cũng như thế giới sẽ tăng trưởng thêm đáng kể trong năm nay”.

Tiền điện tử hot nhất tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - Ảnh 1.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản quan tâm đến một số loại tiền điện tử nhất định. (Nguồn: Nativenewspost)

Trong khi đó, ông Jonathan Lyu, Giám đốc điều hành của nền tảng KuCoin tại Seychelles, cho biết: “Chỉ có một số đồng tiền điện tử đứng đầu ở hầu hết mọi thị trường như bitcoin (BTC), ethereum (ETH) và gần đây là Dogecoin (DOGE)”. 

Ông cũng nhận định rằng thị trường tiền điện tử ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều ít nhiều khác nhau nhưng vẫn có thể nhận biết, phân tích dựa trên các mô hình giao dịch.

“Nhìn chung, các nhà giao dịch Nhật Bản có xu hướng đầu tư vào các mã thông báo lớn như XRP và Cardano (ADA), bởi vì chúng thể hiện hành vi tương đối an toàn, ít rủi ro”, ông Lyu nói. 

“Các nhà đầu tư Hàn Quốc thì đang ủng hộ các dự án địa phương như enjin (ENJ) và luna coin (LUNA). Tại Trung Quốc, các nhà giao dịch đang theo sát các xu hướng mới nhất và filecoin (FIL) gần đây khá phổ biến”, ông cho biết thêm.

Hầu hết đồng tiền điện tử được quan tâm nhất tại 3 cường quốc châu Á này, ngoài luna và enjin được nhắc đến ở trên, đều là 10 đồng tiền điện tử hàng đầu trên thế giới. Hiện luna coin không có sẵn trên sàn Coinbase.

Jonathan Leong, Giám đốc điều hành của BTSE, một nền tảng giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại British Virgin Islands nhận định: “Tôi nghĩ rằng tâm lý trên khắp châu Á đã chuyển sang bản chất đầu cơ nhiều hơn và ETH đã thúc đẩy sự quan tâm đến thị trường tiền điện tử khác ngoài bitcoin. 

Chắc chắn rằng các nhà giao dịch Nhật Bản yêu thích XRP và các nhà giao dịch Trung Quốc thích giao dịch các đồng tiền dễ trao đổi và đồng DeFi. Về phần mình, các nhà đầu tư Hàn Quốc là những người chấp nhận rủi ro”.

Các sàn giao dịch lớn ở châu Á như AAX tin rằng việc cố gắng theo dõi xu hướng giao dịch của Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc thực tế cũng không mang lại lợi ích gì đáng kể cho các nhà đầu tư ở quốc gia khác. 

Nguyên nhân là vì tại Trung Quốc, giao dịch bán lẻ bị hạn chế và thường được thực hiện trên nhiều sàn giao dịch thông qua VPN. Ở Hàn Quốc, có những biện pháp kiểm soát vốn mang lại cơ hội kinh doanh chênh lệch giá, được gọi là Kimchi Premium. Nhật Bản cũng tương tự.

Như vậy, ở cả 3 quốc gia, bitcoin mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội để giảm mức độ tiếp xúc và phụ thuộc vào đồng USD. Tất nhiên, điều này không phải là mối quan tâm cho các nhà đầu tư tại châu Âu hay Mỹ.

Còn về tất cả những nhà đầu tư cá voi (các tổ chức và cá nhân nắm giữ từ 1.000 đến 10.000 BTC) ở châu Á thì sao? 

Ông Ben Caselin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Chiến lược tại Hong Kong, cho biết: “Không hề dễ dàng khi muốn xác định được nơi cá voi tập trung dựa trên các số liệu trực tuyến, và do đó giả định rằng có nhiều cá voi tập trung ở châu Á là không có cơ sở. 

Tuy nhiên, khá rõ ràng là khắp châu Á có nhiều trung tâm giàu có, nơi có nhiều cá nhân có giá trị ròng cao, có thể coi bitcoin như một kho lưu trữ tài sản giá trị không có chủ quyền, biên giới”.

Trung Quốc sẽ có động thái thế nào với bitcoin?

Ông Lyu nói rằng có rất nhiều cá voi ở Trung Quốc: “Nếu chúng ta đang nói về bitcoin, tôi biết một số ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Trung Quốc đi tiên phong trong việc khai thác tiền điện tử và bitcoin từ những ngày đầu tiên và nhiều người trong số những người khai thác đó đã tích lũy được một số lượng lớn tài sản này. Tỷ lệ nắm giữ của một số công ty khai thác bitcoin hàng đầu của Trung Quốc là hơn 6 chữ số”.

Trung Quốc đã cấm giao dịch Bitcoin vào năm 2017, nhưng là một mạng lưới phi tập trung, bitcoin rất khó bị cấm hoàn toàn. Những thay đổi chính sách ở Trung Quốc một ngày nào đó có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác bitcoin, tác động gián tiếp đến giá bitcoin trên thế giới. 

Ông Caselin nói: “Luôn tồn tại nguy cơ Trung Quốc coi bitcoin như một mối đe dọa đối với tiền tệ quốc gia của họ, đồng nhân dân tệ hoặc đồng nhân dân tệ kỹ thuật số”.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây dường như đang có lập trường mềm mỏng hơn đối với bitcoin, nói rằng tiền điện tử chỉ nên được quy định như một tài sản thay thế, thay vì một loại tiền tệ.

• VietnamBiz