Tình trạng báo động ở các thị trường mới nổi trước làn sóng nâng lãi suất

Hồi chuông báo động đang bắt đầu vang lên ở các thị trường mới nổi, trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị bước vào thời kỳ nâng lãi suất.

Sau một giai đoạn cắt giảm lãi suất chưa từng có tiền lệ nhằm hỗ trợ các nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Brazil (Bra-xin) được dự đoán sẽ nâng lãi suất trong tuần này. Nigeria (Ni-giê-ri-a) và Nam Phi sẽ sớm “nối gót”, theo dự đoán của Bloomberg Economics.

Trong khi đó, một nguồn thạo tin cho hay Nga đang xem xét thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn tín hiệu đưa ra trước đó. Ngoài ra, có nhiều đồn đoán rằng chính sách tiền tệ cũng sẽ thắt chặt hơn ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia (Ma-lai-xi-a) và Thái Lan.

Sự chuyển hướng chính sách này có thể sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho các nền kinh tế vẫn đang vật lộn để phục hồi, hay các nước có khối nợ “phình to” trong giai đoạn xảy ra đại dich. Bên cạnh đó, sự gia tăng trong giá tiêu dùng, trong đó có giá thực phẩm, có thể là “đòn giáng” nặng nề nhất với bộ phận những người nghèo nhất của thế giới.

Lãi suất tăng là một vấn đề với các thị trường mới nổi vì khối nợ của họ đã gia tăng nhanh chóng do dịch bệnh. Năm 2020, tổng dư nợ của các nước đang phát triển đã tăng lên tương đương 250% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước này gộp lại, khi chính phủ các nước, các doanh nghiệp và hộ gia đình trên toàn cầu phải vay 24.000 tỷ USD để ứng phó với tác động của dịch bệnh. Trong đó, mức tăng lớn nhất được ghi nhận ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.

Và khối nợ này hầu như không có khả năng giảm xuống trong tương lai gần. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo chính phủ các nước không rút lại chính sách kích thích quá sớm.

Làm phức tạp hơn triển vọng của các thị trường mới nổi là sự chậm trễ trong việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19. Citigroup Inc. dự đoán phải đến khoảng thời gian từ cuối quý III năm nay đến nửa đầu năm sau các nền kinh tế này mới tạo được miễn dịch cộng đồng, trong khi các nước phát triển được dự đoán sẽ làm được điều này vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, một số nước vẫn có khả năng “vượt bão” hơn so với thời kỳ “taper tantrum” của năm 2013 (Taper tantrum là sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi, khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn). 

Tại châu Á, ngân hàng trung ương nhiều nước đã xây dựng các “tấm đệm” tài chính, một phần bằng cách thêm 468 tỷ USD vào dự trữ ngoại hối của mình trong năm ngoái, mức cao nhất trong tám năm qua

• VietnamBiz