Trung Quốc đắn đo chuyện giải cứu công ty nhà nước có quan tham giấu 3 tấn tiền trong nhà

Điều gì sẽ xảy ra khi một công ty do chính phủ Trung Quốc thành lập để dọn dẹp nợ xấu trong hệ thống ngân hàng lại gặp trục trặc và có nguy cơ vỡ nợ?

Nhà đầu tư bỗng trở nên hoang mang khi China Huarong Asset Management – một trong các công ty quản lý tài sản nhà nước lớn và tai tiếng nhất Trung Quốc, không thể công bố báo cáo tài chính năm 2020 sau vụ tử hình quan tham cất 3 tấn tiền trong nhà.

Tuy nhiên, vấn đề gây lo ngại hơn chính là việc Trung Quốc có thể cho phép một doanh nghiệp nhà nước sụp đổ. Trước nay, sự hậu thuẫn của Bắc Kinh thường được xem là tấm lưới an toàn cho doanh nghiệp. Do đó, một khi Bắc Kinh cất tấm lưới đi thì nhà đầu tư ở các thị trường mới nổi có thể phải đối mặt với một cơn địa chấn lớn.

China Huarong là công ty nào?

Theo Bloomberg, đây là một trong 4 công ty nhà nước được chính phủ Trung Quốc thành lập năm 1999 để hỗ trợ dọn dẹp hệ thống ngân hàng đang ngập trong nợ xấu.

China Huarong lao đao từ năm 2018, khi Chủ tịch ở thời điểm đó là ông Lại Tiểu Dân bị cáo buộc nhận hối lộ và cuối cùng bị kết tội nhận 1,79 tỷ nhân dân tệ (tương đương 273 triệu USD) bất hợp pháp.

Trung Quốc đắn đo cứu hay không cứu công ty nhà nước có quan tham giấu 3 tấn tiền trong nhà - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch China Huarong Lại Tiểu Dân hầu tòa. (Ảnh: CCTV).

Dưới thời ông Lại Tiểu Dân, China Huarong đã mở rộng sang khá nhiều lĩnh vực như kinh doanh chứng khoán, ủy thác và các loại hình đầu tư khác, đi ngược với nhiệm vụ ban đầu là xử lý nợ xấu.

Về sau, ông Lại Tiểu Dân bị kết án tử hình và thi hành án vào tháng 1 năm nay. Với tội nhận hối lộ, Trung Quốc hiếm khi ban hành bản án nghiêm khắc đến vậy.

China Huarong sa sút đến đâu?

China Huarong không thể công bố báo cáo tài chính năm 2020 trước thời hạn 31/3 năm nay, hoạt động giao dịch cổ phiếu và các sản phẩm có cấu trúc của công ty này ở Hong Kong phải tạm dừng.

Lo ngại về sức khỏe tài chính của China Huarong lại càng rộ lên sau khi có tin công ty này có khả năng phải tái cơ cấu. Trong hoảng loạn, các trái chủ đã ồ ạt bán tháo trái phiếu đồng USD của China Huarong, Bloomberg đưa tin thêm.

Tình hình trở nên tồi tệ như thế nào?

China Huarong cho biết họ có thể tiếp cận thanh khoản và đang thực hiện thanh toán đúng hạn. Nguồn tin thân cận của Bloomberg nói công ty tai tiếng này đã đệ trình một kế hoạch cải cách toàn diện lên các nhà chức trách, và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang cân nhắc tiếp quản hơn 100 tỷ nhân dân tệ tài sản từ các mảng kinh doanh không sinh lời của China Huarong.

Tuy nhiên, bấy nhiêu đó cũng chưa thể trấn an nhà đầu tư trong dài hạn và trái phiếu của China Huarong vẫn tiếp tục biến động dữ dội trước những tín hiệu trái chiều về số phận của công ty.

Trung Quốc đắn đo cứu hay không cứu công ty nhà nước có quan tham giấu 3 tấn tiền trong nhà - Ảnh 2.

Một chi nhánh của China Huarong. (Ảnh: AP).

Dường như China Huarong có thể tìm được nguồn tiền mặt để chi trả cho lượng trái phiếu sắp đáo hạn và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng cho biết công ty có thanh khoản dồi dào.

Tuy nhiên, trái phiếu đồng USD của China Huarong vẫn đang giao dịch trong khoảng 60 – 85% mệnh giá, một mức gần như chưa từng có đối với một công ty nhà nước được xếp hạng A như China Huarong.

Hệ lụy tiềm tàng

Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh đang cân nhắc ngừng hỗ trợ một công ty nhà nước quan trọng như China Huarong đều sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho thị trường tài chính.

Từ lâu, giới chức Trung Quốc đã phải tìm cách ngăn nhà đầu tư tin rằng chính phủ sẽ can thiệp để ngăn chặn các vụ nỡ nợ. Song, nếu Bắc Kinh cho phép China Huarong tái cơ cấu hoặc vỡ nợ thì đây vẫn là vụ việc tai tiếng nhất ở Trung Quốc kể từ cuối thập niên 1990.

Công ty này do Bộ Tài chính Trung Quốc sở hữu phần lớn cổ phần và có quan hệ mật thiết với ngành công nghiệp tài chính trị giá 54.000 tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

China Huarong có phải công ty nhà nước duy nhất gặp hạn?

Câu trả lời là không. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cắt giảm các biện pháp hỗ trợ những khách hàng vay yếu kém để giảm thiểu rủi ro đạo đức và doanh nghiệp nhà nước đã thế chân cho các công ty tư nhân trong danh sách vỡ nợ tại Trung Quốc thời gian qua.

Theo Fitch Ratings, các doanh nghiệp nhà nước đã gia hạn kỷ lục 79,5 tỷ nhân dân tệ trái phiếu nội địa vào năm 2020, nâng tỷ lệ chậm thanh toán nợ trong nước từ 8,5% năm 2019 lên 57%. Con số này thậm chí nhảy vọt lên 72% trong quý I năm nay.

Xếp hạng tín dụng

Nếu Bắc Kinh từ bỏ chính sách hỗ trợ đối với những ngân hàng cho vay có vai trò trọng yếu trong lĩnh vực chính sách công, các doanh nghiệp khác có thể gặp rắc rối vì thị trường trái phiếu Trung Quốc đang bị chi phối bởi các công ty cho vay liên kết nhà nước khác.

Hơn nữa, dù chính quyền Bắc Kinh tuyên bố cho phép các lực lượng thị trường tự vận hành thì gần như toàn bộ định giá trái phiếu ở Trung Quốc đều có bàn tay chính phủ hỗ trợ.

Bất kỳ thay đổi nào trên thị trường trái phiếu Trung Quốc cũng sẽ buộc nhà đầu tư và các công ty xếp hạng tín nhiệm đánh giá lại rủi ro tín dụng của các công ty ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Bloomberg nhận định.

Còn ba “người anh em” của China Huarong thì sao?

Ngoài China Huarong, ba công ty quản lý tài sản nhà nước còn lại mà Bắc Kinh thành lập năm 1999 cũng không hoạt động khả quan hơn. Năm qua, ngành quản lý tài sản tại Trung Quốc phải đối mặt với áp lực lớn do đại dịch COVID-19 khiến công việc xử lý tài sản trở nên khó khăn hơn.

Tổn thất tín dụng tại chính 4 công ty quản lý tài sản trên đang làm tổn hại đến lợi nhuận và suy giảm sức mạnh vốn. Ngoài ra còn phải kể đến sự chênh lệch kỳ hạn trên bảng cân đối kế toán do hầu hết các khoản nợ đều là ngắn hạn.

Tính chung, 4 công ty này có gần 50 tỷ USD trái phiếu ngoại tệ đang lưu hành, trong đó China Huarong, China Cinda Asset Management, Orient Asset Management China và China Great Wall Asset Management lần lượt sở hữu 22 tỷ USD, 18,5 tỷ USD, 5,3 tỷ USD và 4 tỷ USD.

Đến hết năm nay, 4 công ty cần tái cấp vốn hoặc hoàn trả 5,2 tỷ USD trái phiếu đáo hạn, Bloomberg ước tính.

Rủi ro lớn đến đâu?

Căng thẳng tại China Huarong đã lan sang thị trường trái phiếu đồng USD trị giá 885 tỷ USD của Trung Quốc. Các công ty đi vay này có thể gặp rắc rối nếu tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá toàn diện những rủi ro liên quan đến việc mua trái phiếu đồng USD.

Rủi ro là cực kỳ lớn khi Bắc Kinh sẽ cân nhắc hỗ trợ công ty nào. Tính đến cuối năm ngoái, lượng trái phiếu đang lưu hành trong nước do các doanh nghiệp quốc doanh nắm giữ trị giá khoảng 3.000 tỷ USD – tương đương 91% tổng lượng trái phiếu đang lưu hành ở thị trường nội địa, theo dữ liệu của Fitch Ratings.

Tỷ lệ trái phiếu đang lưu hành trong nước do các công ty quản lý tiền tệ quốc tế nắm giữ nhỏ hơn, nhưng đang tăng dần. Chuyển biến này xuất hiện sau khi Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây.

• VietnamBiz