Trung Quốc gồng mình trước ‘rối loạn trên thị trường tài chính’ sau gói kích thích của Mỹ

Bắc Kinh và Washington đang thực hiện các biện pháp trái ngược nhau để hỗ trợ nền kinh tế. Giới quan chức Trung Quốc lo rằng gói kích thích mới nhất của Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế nước này.

Trung Quốc gồng mình trước 'rối loạn trên thị trường tài chính' sau gói kích thích của Mỹ - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Shutterstock).

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đang đẩy mạnh hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp nội địa và tăng cường giám sát dòng vốn xuyên biên giới. Động thái này diễn tra trong bối cảnh Trung Quốc lo ngại về tác dụng phụ từ gói kích thích tài khóa 1.900 tỷ USD của Mỹ. 

Các phản ứng chính sách kinh tế gần đây của Mỹ và Trung Quốc đang đi theo hai hướng trái ngược nhau. Trong khi Washington gia tăng đáng kể kích thích tài khóa thì Bắc Kinh lại giảm bớt các chính sách hỗ trợ đã ban hành năm ngoái để đối phó với COVID-19.

Các quan chức và cố vấn chính sách của Bắc Kinh kịch liệt chỉ trích Kế hoạch giải cứu Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Những vị này cảnh báo rằng kế hoạch của Mỹ có thể giải phóng dòng vốn khổng lồ và đẩy lạm phát lên cao, khuếch đại rủi ro tài chính. 

Ông Zhang Xiaohui, cựu trợ lý thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc dự đoán: “Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi lên do kỳ vọng lạm phát gia tăng sẽ dẫn đến việc định giá lại giá tài sản, hoặc thậm chí gây rối loạn trên các thị trường tài chính. Gần như chắc chắn thị trường trong nước sẽ phản ứng”.

Theo South China Morning Post (SCMP), thị trường chứng khoán hạng A của Trung Quốc đang ở trong vùng điều chỉnh sau khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nhảy vọt lên hơn 1,6% vào tuần trước.

Ông Zhang phát biểu tại sự kiện do Shanghai Pushan Foundation tổ chức: “Dù lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc tương đối dễ chế ngự, chúng ta có thể thấy rõ rằng giá tài sản nội địa tăng đi lên”.

Với khả năng biến động thị trường gia tăng, quản lý thanh khoản được coi là ưu tiên hàng đầu.

Ông Zhang nói: “Thị trường đang rất lo ngại về một bước ngoặt trong thanh khoản, vì cả thế giới đều đã tiến vào giai đoạn chính sách tài khóa và tiền tệ sau đại dịch, một tình huống chưa từng có tiền lệ”.

Trung Quốc gồng mình trước 'rối loạn trên thị trường tài chính' sau gói kích thích của Mỹ - Ảnh 2.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng đột biến một phần do lo ngại lạm phát có thể buộc Cục dữ trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Hiện tại, Fed đang duy trì lãi suất gần bằng 0 và đồng thời tiến hành nới lỏng định lượng để bơm thanh khoản vào thị trường.

Trung Quốc không nới lỏng định lượng trong khủng hoảng COVID-19. Thay vào đó, Trung Quốc bơm 9.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) thanh khoản vào thị trường liên ngân hàng vào năm ngoái để giúp nền kinh tế.

Bắc Kinh đang hành động thận trọng, tìm cách trấn an công chúng rằng giới lãnh đạo sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong lúc cắt giảm kích thích và tái tập trung vào kiểm soát rủi ro tài chính.

Nhiều người dự đoán Trung Quốc sẽ bình thường hóa một số bộ phận của chính sách tiền tệ trong năm nay do tăng trưởng GDP được ước tính sẽ đạt 8%.

Tuy nhiên, việc rút lại kích thích tiền tệ có thể là một quá trình đau đớn. Hồi đầu tháng 2, lãi suất liên ngân hàng đã tăng vọt khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hút thanh khoản nhanh hơn dự kiến. Sau đó PBoC phải bơm thanh khoản bổ sung để xoa dịu căng thẳng của thị trường.

Ông Song Songcheng, cựu trưởng bộ phận thống kê của PBoC nhận định: “Khi xét đến tình hình tài chính tổng thể trong và ngoài nước, không có lý do gì để Trung Quốc thắt chặt chính sách tiền tệ trong ngắn hạn. Thắt chặt chính sách tiền tệ không giúp ích gì cho sự ổn định kinh tế và phòng ngừa rủi ro”.

Để cân bằng lại dòng vốn ồ ạt đổ vào thị trường tài chính nội địa nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao, chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc cho phép công dân đầu tư ra nước ngoài.

Hôm 12/3, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) cũng đã bắt đầu chương trình thí điểm cho phép các công ty đa quốc gia ở Thâm Quyến và Bắc Kinh chuyển tiền xuyên biên giới dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, các quan chức SAFE tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các cuộc đánh giá và kiểm tra rủi ro để “ngăn chặn một cách hiệu quả rủi ro của các dòng vốn xuyên biên giới”.

Những lời kêu gọi giới chức trách tiếp tục thi hành chính sách tiền tệ hỗ trợ ngày càng lớn hơn trong kỳ họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Bộ Tài chính được lệnh cắt giảm hỗ trợ ngân sách để hạ thấp “rủi ro tài khóa”.

Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã hạ tỷ lệ mục tiêu thâm hụt tài khóa từ 3,6% năm ngoái xuống còn 3,2% trong năm nay. Hạn mức phát mành trái phiếu mục đích đặc biệt của chính quyền địa phương cũng bị giảm 100 tỷ nhân dân tệ so với năm ngoái.

Ông Zhang Bin, Phó giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới phát biểu tại sự kiện ở Pushan: “Như đã thấy từ các chỉ số giá cả và thị trường lao động, chúng ta vẫn còn cách khá xa so với bình thường hóa kinh tế. Tôi lo rằng sự điều chỉnh chính sách đang được thực hiện quá sớm”.

“Chúng ta nên dành dư địa trong chính sách tiền tệ để khu vực tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Không cần phải bình thường hóa sớm đến vậy”.

• VietnamBiz