Vì sao BIDV tăng vốn bất thành trong năm 2020?
Trong năm 2020, BIDV đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc tăng vốn không thành công do yêu cầu chia cổ tức bằng tiền mặt của cơ quan nhà nước và điều kiện thị trường chưa phù hợp cho việc chào bán cổ phiếu mới.
Bỏ lỡ kế hoạch tăng vốn thêm 6.200 tỷ
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BIDV) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 vào ngày 12/3. Tại đại hội, ban lãnh đạo BIDV đã chia sẻ về nguyên nhân ngân hàng không tăng vốn trong năm 2020 như kế hoạch đề ra trong đại hội năm trước.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, BIDV đã phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thêm 6.230 tỉ đồng (tương ứng tăng 15,5%) thông qua phát hành cổ phần phổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành hơn 281,5 triệu cổ phiếu để trả toàn bộ cổ tức năm 2019, tương đương với mức chi trả là 7% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 7 cổ phiếu phát hành thêm). Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III – IV/2020, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Lượng cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Đồng thời, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng gần 341,5 triệu cổ phần, tương đương 8,5% vốn điều lệ hiện tại. Giá phát hành sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Thời gian chào bán dự kiến là trong giai đoạn 2020 – 2021, thời điểm cụ thể sẽ được giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các đơn vị có thẩm quyền.
Ngoài hai phương án phát hành trên, BIDV cũng để ngỏ phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành trái phiếu chuyển đổi phù hợp với tình hình thực tế.
Lý giải về việc không thực hiện tăng vốn như kế hoạch, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết cho biết mặc dù có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên ngân hàng đã quyết định chia cổ tức bằng tiền trong năm vừa qua.
Trước đó, trong năm 2020, BIDV thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tổng giá trị đạt 3.218 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 8%/năm.
Về công tác chào bán thêm cổ phần bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, lãnh đạo ngân hàng cho biết BIDV đã tích cực triển khai cấu phần phát hành thêm cổ phần bằng hình thức chào bán riêng lẻ.
Theo ông Tú, ngân hàng đã tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư tài chính tiềm năng để mời tham gia mua cổ phần tăng vốn điều lệ của BIDV. Ngân hàng cũng chủ động làm việc với các bên tư vấn quốc tế đề nghị giới thiệu cho BIDV các nhà đầu tư tài chính. Trong năm 2020, đã có một số nhà đầu tư tài chính nước ngoài bày tỏ quan tâm đến cổ phiếu BIDV phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu, việc đầu tư chính thức vẫn còn được các nhà đầu tư cân nhắc.
BIDV cũng đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ của BIDV. Tháng 1/2021, NHNN đã có ý kiến đối với Phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ của BIDV. Hiện nay, BIDV đang cập nhật, hoàn thiện phương án này theo chỉ đạo của NHNN.
Về phương án phát hành cổ phiếu ESOP, lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng chưa thực hiện do chờ ý kiến của cơ quan Nhà nước. Còn cấu phần phát hành trái phiếu chuyển đổi chưa tiến hành trong năm 2020 do điều kiện thị trường chưa thuận lợi, cấu phần này sẽ được tiếp tục nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.
Cổ đông chiến lược chưa chắc tham gia đợt tăng vốn sắp tới
Tại ĐHĐCĐ 2021, BIDV tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tức tăng 20,6%) theo hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm.
Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và IV/2021. Trong khi đó, việc chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng, kế hoạch tăng vốn nhằm đảm bảo nhu cầu vốn trong cả điều kiện kinh doanh thông thường và điều kiện căng thẳng. Trong đó, tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn vốn nền tảng, tạo điều kiện cho các nguồn tăng thứ cấp khác.
Tại đại hội vừa qua, Chủ tịch BIDV tiết lộ, để chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn, BIDV đã tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư tiềm năng. Đã có khá nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của BIDV nhưng do dịch COVID-19 nên họ đang cân nhắc đầu tư.
Trả lời câu hỏi cổ đông về khả năng cổ đông chiến lược KEB Hana Bank tham gia đợt phát hành tăng vốn sắp tới, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho hay BIDV đều thông báo và trao đổi với đối tác này về các kế hoạch tăng vốn.
Trong năm 2021, ngân hàng cũng đã trao đổi kế hoạch tăng vốn với cổ đông chiến lược này, tuy nhiên BIDV không khẳng định KEB Hana Bank có tham gia hay không?
“Chúng tôi đã thông báo cho HanaBank với tư cách là cổ đông chiến lược. Bên phía HanaBank cũng đồng ý với việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, bởi họ cho rằng, sau tăng vốn tỷ lệ sở hữu của họ giảm không nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không dám khẳng định rằng HanaBank có tham gia vào quá trình bán vốn sắp tới hay không?”, Chủ tịch BIDV chia sẻ tại đại hội.
• VietnamBiz